Hội thảo quốc tế với chủ đề Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á vừa được Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Trường đại học Phú Yên và Tổ chức Asian Dialogue Society tổ chức tại TP Tuy Hòa đã nhận được nhiều tham luận đến từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Các trường đại học luôn hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh: NHƯ THANH
Báo Phú Yên ghi lại một số nhận định, giải pháp về đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng với nền kinh tế ở châu Á.
ĐỒNG CHÍ ĐÀO MỸ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Tạo điều kiện tốt nhất đối với hoạt động giáo dục đại học
Phát triển giáo dục đại học (GDĐH) là vấn đề cần thiết và quan trọng trong dòng chảy phát triển xã hội hiện đại. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn quan tâm, đầu tư cho nội dung này.
Để phát triển KT-XH, điều cốt lõi là phải có đội ngũ con người có năng lực và trình độ. Muốn vậy, chúng ta cần phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục. Phú Yên đã và đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nghiên cứu và phát triển kỹ năng mềm.
Phú Yên mong muốn hợp tác với các trường đại học, tổ chức giáo dục, chuyên gia trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng GDĐH. Để phát triển bền vững, không chỉ cần có những chính sách đúng đắn mà còn cần sự hợp tác chặt chẽ các bên liên quan.
Hy vọng rằng, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, các cơ sở giáo dục, đơn vị liên quan của tỉnh sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến, nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các hoạt động hợp tác giáo dục, vì mục tiêu chung là phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực châu Á, của Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng.
ÔNG TRÌNH QUANG PHÚ, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VIỆT NAM, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN PHƯƠNG ĐÔNG: Giáo dục đại học phải đổi mới
Châu Á là khu vực đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu và nhất định sẽ có bước phát triển đột phá trong những thập niên tới. Châu Á đang và sẽ cần có một lực lượng làm việc có trình độ công nghệ cao, nhất là công nghệ điện tử, bán dẫn, công nghệ chíp, công nghệ xanh, công nghệ số.
GDĐH phải đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc với nền kinh tế, công nghệ mới ở châu Á. Đó là trách nhiệm to lớn mà xã hội giao cho GDĐH ở mỗi nước.
Hội thảo quốc tế GDĐH vì sự phát triển châu Á lần này là diễn đàn để các nhà khoa học, nghiên cứu, các nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học... tập trung trao đổi, đề xuất và thiết lập nền tảng GDĐH, xác định định hướng phát triển phù hợp với xu thế chung. Đồng thời tìm thấy những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên, giữa các nước, đưa châu Á trở thành khu vực siêu cường của GDĐH, nghiên cứu khoa học; trở thành nền tảng phát triển trong mọi lĩnh vực.
Chúng ta đã và đang trải qua những cuộc cách mạng đổi mới giáo dục (đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tự chủ đại học...). Tôi mong rằng, chúng ta sẽ có thêm những tham vấn tích cực, hiệu quả, để Việt Nam tiếp tục tiến tới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước cũng như khu vực châu Á.
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN CHIẾN LƯỢC (BỘ QUỐC PHÒNG): Chủ động hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
GDĐH Việt Nam đang đặt ra 7 yêu cầu lớn, gồm: tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; tính minh bạch; khả năng kiểm soát; tôn trọng quyền và gìn giữ con người (nguồn lực con người); đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm (công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm của sinh viên); quản trị hệ thống đào tạo, đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả; tiết kiệm có trọng tâm, trọng điểm; cơ chế chính sách hoạt động phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Trong đó, xu thế hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nói chung và hội nhập quốc tế GDĐH sẽ là giải pháp hữu hiệu để nâng tầm giáo dục, đảm bảo chất lượng nhưng vẫn tiết kiệm được chi phí đào tạo.
Chúng ta cần nghiên cứu phương án toàn cầu hóa sức cạnh tranh của các cơ sở GDĐH nước ngoài ngay tại Việt Nam. Các cơ sở đào tạo có thể trao đổi sinh viên, giảng viên, giao lưu văn hóa, hợp tác nghiên cứu khoa học (chia sẻ thông tin kinh nghiệm, nguồn lực, thiết bị, máy móc...), đào tạo liên kết; thành lập cơ sở GDĐH quốc tế, học viện quốc tế đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thu hút sinh viên các quốc gia đến Việt Nam.
TS TRẦN LĂNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng, các trường đại học không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tạo ra những giá trị thực tiễn, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Sứ mệnh này khẳng định vai trò của các trường đại học như những trung tâm tri thức, sáng tạo và đổi mới, nơi nuôi dưỡng và phát triển tài năng có khả năng đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, Trường đại học Phú Yên đã và đang tập trung đào tạo các ngành (lĩnh vực) mà địa phương đang cần như: Công nghệ thông tin để thực hiện công cuộc chuyển đổi số, du lịch để phát triển “kinh tế xanh” và bền vững, ngôn ngữ/ngoại ngữ để tăng cường khả năng và cơ hội để hội nhập với thế giới…
Trường đại học Phú Yên đang tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu xã hội bằng cách tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, với các chuyên gia trong quá trình đào tạo; giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tiễn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau khi tốt nghiệp.
ÔNG JOHNSON PAUL, GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH TỔ CHỨC ASIAN DIALOGUE SOCIETY: Phải dự báo và chuẩn bị nhân lực của tương lai
Công việc của Tổ chức Asian Dialogue Society (ADS) từ thập niên 70 của thế kỷ trước là cố gắng đóng góp cho sự phát triển của châu Á. Việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải dự báo và chuẩn bị cho những yêu cầu của tương lai. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược, linh hoạt và sáng tạo trong quản lý và giảng dạy.
Chúng ta cần phải xây dựng một môi trường học tập mở, khuyến khích sinh viên tự do sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Đồng thời cần phải tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để tạo ra những cơ hội học tập và làm việc tốt nhất cho sinh viên.
Hiện tại, chúng tôi đã có định hướng để phát triển ADS trong 5-10 năm tới. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông cũng như các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực này.
Theo Báo Phú Yên online.