Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: Tư liệu.
Đồng chí Chu Huy Mân - tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hoà, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Đồng chí có bí danh: Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hồ Thanh Châu, Hai Mạnh, Thao Chăn. Tuy có nhiều tên gọi và bí danh khác nhau, nhưng cái tên “Chu Huy Mân” mang ý nghĩa: Huy là trong sáng, Mân là ngọc đã theo đồng chí đến trọn đời.
Tiếp thu truyền thống văn hóa, yêu nước của quê hương, đồng chí sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Cả cuộc đời rèn luyện, chiến đấu, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Chu Huy Mân luôn nêu cao phẩm chất cao đẹp và có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta và Quân đội ta.
Năm 1929, khi mới 16 tuổi, đồng chí đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia các phong trào yêu nước ở quê hương. Cuối năm 1930, khi mới 17 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí dũng cảm chiến đấu trong các đội Xích vệ (Tự vệ đỏ), cùng đồng đội kiên quyết chống sự đàn áp khủng bố của địch và ra sức bảo vệ những cuộc đấu tranh chính trị sôi động của quần chúng nhân dân trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Mặc dù bị địch quản thúc, đồng chí vẫn bí mật hoạt động, tích cực xây dựng cơ sở cách mạng, được tổ chức tín nhiệm giao làm Bí thư chi bộ xã, Bí thư phân Huyện ủy huyện Hưng Nguyên.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật (1937- 1940), đồng chí bị địch bắt giam nhiều lần ở Nhà lao Vinh, đến năm 1940, chúng bắt giam đồng chí ở các nhà tù Đắc Lay, Đăk Tô, Kon Tum, đồng chí đã nhiều lần cùng đồng đội vượt ngục tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Đó là những năm tháng đồng chí được tôi luyện ý chí, bản lĩnh cách mạng kiên trung, lòng yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đầu năm 1943, sau khi vượt ngục an toàn, đồng chí về tìm bắt liên lạc với Đảng và hoạt động cách mạng ở Quảng Nam, được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Sau khi tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam thành công trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do yêu cầu của tổ chức, đồng chí được điều động sang làm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam. Cuối năm 1945, đồng chí được Trung ương Đảng điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính Khu C gồm 4 tỉnh Bắc Trung Kỳ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam), Chính trị viên Mặt trận Đường 9 Đông Hà - Xavanakhệt. Đồng chí Chu Huy Mân có công lớn trong việc vận động tập hợp quần chúng, xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng từ ngày đầu thành lập nhà nước dân chủ nhân dân dân non trẻ.
Chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng điều động nhiều cán bộ chính trị ưu tú vào hoạt động trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân là một cán bộ trong số đó. Như một thiên mệnh, cuộc đời cách mạng của đồng chí gắn bó với cuộc đời binh nghiệp quang vinh qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở miền Trung- Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ chiến trường khu 5, cuối năm 1946, đồng chí được điều ra Việt Bắc để xây dựng các trung đoàn chủ lực, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy, Chính ủy các trung đoàn 72, 74, 174 ở vùng Cao - Bắc - Lạng (1947 - 1949), chỉ huy các trận đánh trên đường số 4 rồi giúp cách mạng Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. Tháng 5 - 1951, đồng chí làm Phó Chính ủy, sau đó làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, đánh thắng nhiều trận quan trọng, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đoàn 316 đánh trận mở đầu, tiêu diệt cứ điểm Him Lam (ngày 13/3/1954), khai hỏa trận đánh Đồi A1, tham gia trận đánh quan trọng, tham gia trận đánh quan trọng cuối cùng bắt sống tướng Đờ Cátxtơri.
Năm 1957, đồng chí được giao giữ chức Chính ủy Quân khu 4. Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng, làm Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc. Năm 1961, đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4 góp phần xây dựng hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đồng chí được Trung ương điều vào chiến trường Khu 5, làm Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Từ năm 1967 đến năm 1975, đồng chí làm Tư lệnh Quân khu 5. Suốt thời gian gắn bó với mảnh đất Khu 5 - Tây Nguyên, tài thao lược của đồng chí đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, nổi bật như chiến thắng Ba Gia tiêu diệt chiến đoàn quân ngụy, chiến thắng lừng lẫy Plâyme- IaĐrăng, tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp ngụy và lần đầu tiện tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ, chiến thắng giải phóng Đà Nẵng...
Đồng chí Chu Huy Mân vào chiến trường Khu 5 lúc Mỹ đổ quân ổ ạt vào miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Chúng dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc để đánh phá ta. Là một cán bộ chỉ huy cấp đại đoàn, quân khu với ý chí cách mạng kiên cường và tư duy chiến tranh cách mạng sâu sắc, đồng chí Chu Huy Mân luôn lấy mục tiêu đánh thắng quân Mỹ xâm lược làm tư tưởng chỉ đạo hành động xuyên suốt trong chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, luôn tìm mọi cách buộc địch đánh theo cách đánh, thế trận bày sẵn của ta để giành thế chủ động trên chiến trường.
Trong trận đánh Núi Thành, lần đầu tiên ta tiêu diệt gọn một đơn vị quân Mỹ nhưng ta chỉ dùng bộ đội địa phương mà không sử dụng bộ đội chủ lực. Điều đó không những giải quyết được công tác tư tưởng mà ta có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ, mà còn có một ý nghĩa chiến lược sâu xa khi sử dụng lực lượng chiến đấu.
Ở Chiến dịch Ba Gia (Quảng Ngãi, hè năm 1965), ta đánh khơi ngòi, buộc địch phải tăng viện ứng cứu, để tổ chức diệt gọn từng tiểu đoàn đi đến diệt gọn chiến đoàn. Đến Chiến dịch Plâyme (từ ngày 19/10 đến ngày 26/11/1965) ta tổ chức diệt Chư Ho, vây Plâyme rồi lại “nới vây” tạo thời cơ diệt quân cứu viện, buộc Sư đoàn kỵ binh không vận của Mỹ ở An Khê phải vội vã đổ quân xuống thung lũng Ia Đrăng để cho tiểu đoàn 1 kỵ binh có đi không về. Đến tháng 11/1966, với Chiến thắng Sa Thầy, ta lại dụ địch ra xa dần, đẩy địch sa vào thế trận chiều sâu khép kín đã bày sẵn của ta để tiêu diệt. Chiến dịch Xuân năm 1975, ta không chọn phương án giải phóng quận lỵ, chi khu Sơn Hà trước, sau đó mới giải phóng Quảng Ngãi để nối liền Bình Định, chia cắt Đà Nẵng, mà chọn phương án tiêu diệt quận lỵ, chi khu Tiên Phước, căn cứ Phước Lâm, diệt quân cơ động rồi giải phóng Tam Kỳ, chia cắt Chu Lai - Quảng Ngãi để tiến công vào Đà Nẵng phối hợp với cánh quân phía bắc của Quân đoàn 2, nhanh chóng giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, các đảo thuộc chủ quyền Tổ quốc ở biển Đông, cùng đại quân tiến về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những trận đánh, chiến dịch thắng lợi giòn dã diễn ra chiến trường Khu 5 khẳng định Đại tướng Chu Huy Mân là một con người tầm cỡ chiến lược không những trên lĩnh vực quân sự mà còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác.
Sau Chiến dịch Plâyme, do tình hình lương thực ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, quân khu có ý định giải thể Mặt trận B3. Đồng chí Chu Huy Mân chủ trì cuộc họp Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 đề nghị Bộ Chính trị Quân ủy Trung ương, Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lênh Quân khu 5 giữ lại toàn bộ lực lượng B3. Đồng chí xác định vấn đề bức thiết trước mắt là lương thực nhưng Tây Nguyên là chiến trường của Đông Dương, chiến trường có điều kiện tiêu diệt lớn quân địch, bảo vệ hành lang Nam - Bắc. Để giải quyết khó khăn về lương thực cho bộ đội và Nhân dân ở chiến trường, thời kỳ ở Quân khu 5, đồng chí Chu Huy Mân đã nêu sáng kiến: Khi Bộ đội hành quân trên đường vào Nam, đến đóng quân ở đâu đều phải tổ chức trồng khoai, sắn, rau, chuối. Lớp trước trồng, lớp sau đến tiếp quản để có cái mà nuôi quân và giúp dân, giảm bớt khó khăn thiếu thốn về lương thực. Đề nghị đó đã được cấp trên chấp nhận. Trong 6 tháng trước mắt, bộ đội vừa chiến đấu nhỏ, vừa sản xuất, bộ đội đã trồng hơn 30 triệu gốc sắn để tự túc lương thực, sau đó đi vào hoạt động lớn.
Chính những quyết định sáng suốt, quyết đoán của Đại tướng Chu Huy Mân và tập thể lãnh đạo Khu ủy Khu 5 và Mặt trận Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào việc xác định cách đánh, xây dựng được lòng tin, quyết tâm “dám đánh, biết đánh và biết thắng” cho quân và dân ta. Nhờ vậy mà thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường Quân khu 5 ngày càng được củng cố và phát triển, là cơ sở quan trọng để quân và dân ta thực hiện chiến lược tiến công, lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của địch. Khu 5 trở thành địa phương đi đầu diệt Mỹ, góp phần phát động tinh thần dám đánh và quyết thắng Mỹ trong toàn dân và lực lượng vũ trang cả nước.
Với kinh nghiệm lãnh đạo công tác chính trị, quân sự, công tác tổ chức, đào tạo, huấn luyện cán bộ và chỉ huy chiến đấu của Chính ủy Đại đoàn 316, cuối năm 1954, đồng chí Chu Huy Mân được Bác Hồ, Trung ương Đảng và quân đội tin tưởng giao trọng trách làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn quân sự sang giúp Đảng và Bộ Quốc phòng Lào (gồm cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và các đơn vị chuyên môn kỹ thuật trực thuộc bộ và lực lượng vũ trang ba thứ quân).
Trên cương là Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn quân sự, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng các đồng chí lãnh đạo nước bạn bàn bạc, thống nhất, xác định trọng tâm nhiệm vụ là giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự cả về kiến thức chuyên môn và năng lực lãnh đạo, tổ chức kháng chiến.
Nghiên cứu điều kiện đặc thù của nước bạn Lào, đa số cán bộ còn hạn chế về trình độ nhận thức, các đơn vị quân đội Lào hoạt động phân tán, không thể tổ chức huấn luyện và giáo dục tập trung, đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo cán bộ trong Đoàn cố vấn quán triệt phương châm "giúp bạn là tự giúp mình"; phải nâng cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau. Đồng chí thường căn dặn cán bộ của Đoàn cố vấn trong quan hệ công tác với cán bộ Lào phải bình tĩnh, khôn khéo và chân tình, động viên, hướng dẫn các đồng chí Lào một cách cặn kẽ, gợi ý để cán bộ của bạn suy nghĩ rồi tự đề ra chủ trương, biện pháp, thực hiện phương châm đào tạo theo cách không buông trôi, nhưng cũng không nóng vội bao biện, làm thay. Trường học tốt nhất để cán bộ Lào rèn luyện và trưởng thành trong mọi điều kiện là phải tham gia hoạt động thực tiễn. Cần phải giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức của cán bộ Lào về những vấn đề cơ bản của cách mạng, kết hợp với huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự, để cán bộ, chiến sĩ Lào có thể sử dụng thành thạo các loại vũ khí, chiến thuật chiến đấu.
Với sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam, lực lương quân đội kháng chiến Pathét Lào đã tổ chức thi đua học tập, huấn luyện chính trị, quân sự, phát triển và nâng cao chất lượng các đơn vị chiến đấu ba thứ quân, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở khắp các địa phương trên đất nước Lào. Hầu hết cán bộ Lào được qua đào tạo đã có nhận thức chính trị vững vàng, được trang bị kỹ năng chiến đấu, đặc biệt tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội kháng chiến Pathét Lào với bộ đội tình nguyện Việt Nam ngày càng thắt chặt.
Không những thế, đồng chí Chu Huy Mân còn chỉ đạo một số cán bộ tuyên huấn và cán bộ quân sự có kinh nghiệm giúp cán bộ Lào biên soạn các tài liệu phục vụ cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện quân sự, làm tài liệu học tập. Đồng chí căn dặn, các tài liệu phải được biên soạn sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, dễ liên hệ với hành động cụ thể, phù hợp với trình độ của cán bộ nước bạn và cùng bạn tổ chức các đợt tuyên truyền giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự sâu rộng trong các đơn vị. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giúp bạn.
Đầu tháng 12-1954, Hội nghị quân chính quân đội Lào tổ chức tại bản Cang Thạt. Tại Hội nghị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày đề án xây dựng lực lượng, về cơ bản thống nhất với ta. Sau hội nghị, nhờ sự giúp đỡ tận tình, chu đáo Đoàn 100, các cơ quan, đơn vị của bạn được củng cố, sắp xếp, hình thành cơ cấu hợp lý của một quân đội tập trung: Ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng, cùng hệ thống cán bộ thuộc các đơn vị, địa phương, chín tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn trợ chiến, một tiểu đoàn vận tải, 12 đại đội độc lập, mộttrường quân chính com-ma-đam, hai cơ quan tỉnh đội Hủa Phăn và Phôngxalỳ. Cuối năm 1954, quân số sắp xếp vào các đơn vị Quân đội Pathét Lào đã cơ bản ổn định. Cùng với sự hình thành tổ chức biên chế của quân đội bạn và thống nhất phương châm, chế độ làm việc giữa hai bên, đồng chí Chu Huy Mân còn sắp xếp đội ngũ cố vấn giúp bạn cụ thể. Từ đây, các lực lượng vũ trang Pathét Lào từng bước khẳng định là lực lượng nòng cốt, công cụ sắc bén của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng và Chính phủ kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào trong cuộc đấu tranh thực hiện hòa hợp dân tộc.
Cùng với việc giúp bạn tổ chức các đợt giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, đào tạo cán bộ tại trường, nâng cao trình độ văn hóa, tiếp thu kiến thức của khoa học kỹ thuật, lãnh đạo và chỉ huy Đoàn 100 giao nhiệm vụ cụ thể có các tổ cố vấn giúp bạn trên các lĩnh vực chuyên môn, tổ chức và duy trì nề nếp học văn hóa, xóa bỏ tình trạng mù chữ. Đến cuối năm 1957, hầu hết cán bộ chiến sĩ của bạn đã biết đọc, biết viết và nói được cả tiếng Việt.
Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng là giúp bạn xây dựng và phát triển Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào đối với quân đội Pathét Lào. Đây là nhiệm vụ cấp bách của bạn. Căn cứ vào truyền thống lịch sử và đặc điểm Quân đội Pathét Lào, đồng chí Chu Huy Mân cùng với các cố vấn Đoàn 100 đã chú trọng tìm nhiều biện pháp giúp bạn xây dựng và phát triển đảng, nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm đúng nguyên tắc giúp bạn xây dựng Đảng. Theo yêu cầu của bạn, Đoàn ủy và đồng chí Đoàn trưởng Chu Huy Mân quyết định thành lập tổ cố vấn chính trị, gồm những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm về xây dựng Đảng, biết thông thạo tiếng, chữ Lào, có nhiệm vụ giúp bạn chuẩn bị tài liệu, tổ chức hướng dẫn học tập.
Đồng chí Chu Huy Mân đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 100 nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp bạn góp phần củng cố khu căn cứ hai tỉnh tập kết, xây dựng lực lượng vũ trang Pathét Lào từng bước đảm nhận được nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển biến có tính chất bước ngoặt của cách mạng Lào. Đồng chí Chu Huy Mân được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một chiếc đồng hồ hiệu Wyler với lời nói ngắn gọn: "Bác tặng đồng hồ cho chú vì thành tích giúp Đảng và nhân dân cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp".
Từ cuối năm 1960, sau cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ phàn động Xômxanít, do Đại úy Koongle chỉ huy (9/8/1960), đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gấp rút điều quân bao vây tấn công hòng đánh chiếm Thủ đô Viêng Chăn, tiêu diệt các lực lượng đảo chính và Neo Lào Hắc Xạt. Tình thế diễn biến hết sức nguy hiểm, phức tạp. Theo yêu cầu của bạn, đồng chí Chu Huy Mân và một số cán bộ tùy tùng được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh điều động cấp tốc sang Viêng Chăn, làm cố vấn giúp Ủy ban đảo chính và lực lượng Neo Lào Hắc Xạt triển khai cuộc chiến đấu đánh lui nhiều cuộc tiến công của địch, bảo toàn lực lượng.
Sau khi xem xét tình hình, đồng chí Chu Huy Mân nhận thấy một vấn đề bất lợi cho bạn là kẻ địch dựa vào bàn đạp trên đất Thái Lan, dựa vào quân đông để chiếm dần các khu vực xung quanh Viêng Chăn. Trao đổi với Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam và thống nhất với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí đã đưa ra 3 phương án và cuối cùng chọn phương án thứ ba. Đó là, mở cuộc hành quân đưa lực lượng bạn táo bạo, bí mật, bất ngờ tấn công tiêu diệt và làm tan rã quân địch, giải phóng cáo nguyên Cánh đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nắm chặt tay tướng Chu Huy Mân nói: "Cảm ơn tướng quân Thao Chăn (tên của đồng chí Mân khi ở Lào), ý tưởng thật tuyệt vời, chúng ta quyết tâm giành thắng lợi có ý nghĩa chính trị chiến lược này, nhưng khó khăn không nhỏ, phức tạp chưa thể lường hết". Ý tưởng đánh chiếm Cánh đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng phù hợp với tính toán của ta nên Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cử phái viên bay sang sân bay dã chiến Văng Viêng truyền đạt chỉ thị của Bộ, yêu cầu phải nổ lực cao nhất tiến công đánh chiếm ngay Cánh đồng Chum.
Theo kế hoạch thống nhất giữa ta và bạn, đồng chí Chu Huy Mân giúp bạn chủ động thực hiện cuộc rút lui khỏi Viêng Chăn, chuyển quân tiến lên phía đông bắc, đánh chiếm ngã ba Xala- Phu Khun, bí mật và bất ngờ đánh chiếm Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, một địa bàn chiến lược quan trọng ở Bắc Lào và miền Bắc Đông Dương.
Cánh đồng chum- Xiêng Khoảng được giải phóng là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Lào, là thắng lợi liên minh chiến đấu giữa quân tình nguyện Việt Nam, Neo Lào Hắc Xạt và lực lượng trung lập tiến bộ. Cách mạng Lào từ đây mở ra một triển vọng mới ngày càng có lợi.
Trí tuệ, tài năng quân sự - chính trị của đồng chí Chu Huy Mân được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nển quốc phòng toàn dân vững mạnh. Chính vì vậy mà trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí luôn coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của cha ông, chủ động tháo gỡ khó khăn, thách thức, tìm tòi các phương pháp công tác táo bạo, hiệu quả.
Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của mình, đồng chí là một trong số ít được phong quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng vào năm 1974, quân hàm Đại tướng năm 1980. Tháng 3/1977, đồng chí được Bộ Chính trị giao trọng trách là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1977 - 1986). Là người phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặc biệt, phẩm chất cao quý của một vị tướng, tài thao lược và tính quyết đoán đã được đồng chí Chu Huy Mân phát huy cao độ trong lãnh đạo xây dựng Tổng cục Chính trị ngày càng lớn mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Chu Huy Mân là tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tụy với nước, với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo, hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí, có tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung./.
Th.S. Nguyễn Thị Hồng Vui