“Vinh dự và trách nhiệm”, đó là cảm xúc của TS Nguyễn Huy Vị, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, khi được Nhà nước phong tặng chức danh PGS năm 2015. Mang trong mình cái tâm của một nhà khoa học, người thầy đáng kính này luôn trăn trở về nền giáo dục nước nhà, về mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn.
|
Thầy Nguyễn Huy Vị nhận chức danh PGS năm 2015 - Ảnh: M.THÚY |
Năm 2000, tôi được tòa soạn phân công phụ trách tuyên truyền lĩnh vực Giáo dục nên được tiếp xúc nhiều với các nhà giáo. Và ngày ấy tôi thật sự ấn tượng với nhà giáo Nguyễn Huy Vị, không phải bởi vẻ ngoài lịch lãm, nhã nhặn của thầy mà là bởi kiến thức uyên sâu về lĩnh vực giáo dục của một thạc sĩ toán học. Tại các hội nghị hay chương trình tọa đàm có liên quan về giáo dục, thạc sĩ Nguyễn Huy Vị là một trong những đại biểu luôn được giới thiệu một cách trân trọng. Và tiếng nói của người thầy này luôn có “trọng lượng” đối với các nhà giáo, nhất là các nhà giáo trẻ.
VÌ QUÊ HƯƠNG, BIẾT KHÓ VẪN VỀ
Sau 15 năm gắn bó tuyên truyền về lĩnh vực Giáo dục, trước mắt tôi người thầy sinh năm 1959 này vẫn giữ nguyên sự nhiệt tình, hào sảng khi nói về sự nghiệp trồng người. “Đã là nhà giáo thì ThS, TS hay là PGS cũng chỉ là một sự ghi nhận của Nhà nước đối với công sức đóng góp của mình. Với tôi, điều quan trọng trên hết khi có các chức danh này thì càng thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn trong việc bồi dưỡng thế hệ sau, các bạn đồng nghiệp trẻ để thực hiện việc nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới giáo dục”, thầy Vị bộc bạch.
Là một người con của Phú Yên, năm 1981, thầy Nguyễn Huy Vị khởi nghiệp nhà giáo tại Trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) Nha Trang ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Toán (Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) năm 1980. Là một giáo viên trẻ nên ngoài việc giảng dạy, thầy Vị còn tích cực tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường, cấp bộ. “Ngày ấy, hai đề tài thay sách giáo khoa Toán lớp 6 và lớp 7 cải cách giáo dục của Trường CĐSP Nha Trang mà tôi là thành viên nghiên cứu được Bộ GD-ĐT xếp hạng A và được khen thưởng như một món quà lớn, một nguồn động viên tinh thần vô giá đối với một giáo viên trẻ trên hành trình giảng dạy và NCKH”, thầy Vị nhớ lại.
Năm 1989, Phú Yên tái lập tỉnh, mặc dù công việc giảng dạy đang “thuận buồm xuôi gió” tại Trường CĐSP Nha Trang nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Huy Vị từ bỏ tất cả trở về quê hương, chung tay gánh vác xây dựng cơ sở CĐSP Phú Yên. Thầy Vị kể: Tháng 11/1989, cơ sở CĐSP Phú Yên khai giảng khóa đầu tiên với hơn 350 sinh viên chuyển về từ Trường CĐSP Nha Trang. Thầy được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Khoa Khoa học tự nhiên. Dù bận rộn với công tác quản lý, thầy Vị vẫn coi việc giảng bài là một phần không thể thiếu và dành thời gian chuyện trò, gặp gỡ sinh viên. Thầy đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, coi đó là nhiệm vụ quan trọng mang tính đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo.
Không chỉ làm tốt công việc giảng dạy và quản lý, thầy Vị thường trăn trở tìm tòi để nâng tầm suy nghĩ bắt kịp những vấn đề quan trọng và chuyển biến nhanh chóng của công tác giáo dục nước nhà. Cũng bắt đầu từ đây, năng lực của nhà quản lý giáo dục Nguyễn Huy Vị được bộc lộ khi thầy lần lượt được Sở GD-ĐT và UBND tỉnh bổ nhiệm giữ các chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường sư phạm Phú Yên (năm 1991); Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Phú Yên (năm 1996); Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ tại chức Phú Yên (1997); Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên (năm 2007).
KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ VÀ NCKH
Năm 1992, khi Trường đại học Đà Lạt tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ khóa đầu tiên, thầy Vị là một trong năm người đầu tiên của ngành Giáo dục Phú Yên trúng tuyển. Vừa đi học, vừa giảng dạy và vừa làm quản lý, nhưng thầy Vị vẫn không ngừng góp sức cùng với lãnh đạo ngành Giáo dục Phú Yên xây dựng những đề án có tầm chiến lược đối với sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà như: đề án Xây dựng đại học/cao đẳng cộng đồng Phú Yên năm 1993; đề án Nâng cấp Trường Sư phạm Phú Yên lên CĐSP Phú Yên năm 1995. Ngoài ra, thầy Vị còn là người chủ trì đề án Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phát triển Trường Sư phạm Phú Yên giai đoạn 1991-1995 và định hướng đến năm 2000, một đề tài quy hoạch cấp tỉnh, nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục Phú Yên sau ngày tái lập tỉnh.
Không bằng lòng với những gì đã đạt được cũng như để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo và quản lý giáo dục, năm 2004, thầy Vị tiếp tục đi nghiên cứu sinh ngành Quản lý giáo dục. Với đề tài “Nghiên cứu mô hình trường cao đẳng cộng đồng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ở Việt Nam”, một đề tài đã được nhiều nhà giáo dục đánh giá cao về tính khoa học và đang phát huy trong thực tiễn đổi mới công tác đào tạo nhân lực tại nhiều địa phương trong cả nước; thầy Vị đã bảo vệ thành công Luận án TS một cách xuất sắc tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2009.
Về lĩnh vực NCKH giáo dục và quản lý giáo dục, thầy Vị đã có hơn 40 công trình được công bố ở cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ, cấp Nhà nước được in ấn trên các báo, tạp chí chuyên ngành, sách ở trong và ngoài nước từ năm 1986 đến nay. Trong đó có các công trình tiêu biểu như: Mô hình trường cao đẳng cộng đồng ở Việt Nam (Nhà xuất bản Dân Trí - Hà Nội 2011); Giáo trình Logic học nhập môn (Nhà xuất bản Phương Đông - TP Hồ Chí Minh 2014); Hoàn thiện mục tiêu và phương thức tổ chức đào tạo mô hình trường cao đẳng cộng đồng ở Việt Nam…
CẦN LẮM NGƯỜI TÂM HUYẾT VỚI GIÁO DỤC
Có một sự tôn vinh khác, không bằng danh hiệu, nhưng vô cùng đáng giá là sự yêu mến của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, học trò dành cho thầy Vị. Mỗi khi nhắc đến thầy, các thế hệ học trò được thầy Vị đào tạo cho rằng, họ tiếp thu được ở người thầy này những thao tác nghiêm ngặt trong học tập và phương pháp tư duy chặt chẽ. Tình cảm ấy không vì danh hiệu hay chức vị mà bởi tấm lòng của thầy với nghề, với người. Là một nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhưng trên hết, ở thầy luôn tỏa sáng nhân cách của một trí thức chân chính.
“Thầy Nguyễn Huy Vị là một tuýp người thẳng tính, cương trực. Thầy là một trong những giảng viên, nhà quản lý gạo cội của trường giúp những người trẻ như chúng tôi khơi nguồn tri thức, cống hiến vì sự nghiệp trồng người của tỉnh. Các thế hệ học trò vẫn đang chờ đón những bài giảng của thầy để học thầy một phong cách làm việc, rèn luyện và phấn đấu không mệt mỏi của một đời tâm huyết làm thầy và làm khoa học”, ThS Trần Minh Cảnh, Trưởng khoa Kỹ thuật - Công nghệ Trường đại học Phú Yên, chia sẻ.
Hơn 25 năm đồng hành với sự nghiệp phát triển giáo dục của Phú Yên, đặc biệt là sự nghiệp ấy gắn liền với lịch sử phát triển của Trường đại học Phú Yên hôm nay, các thế hệ sinh viên được PGS-TS Nguyễn Huy Vị giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu giờ đã tỏa ra khắp đất nước, vận dụng, phát huy mạch nguồn tri thức được đào tạo vào thực tiễn công tác. Nhiều sinh viên trở thành nhà nghiên cứu, nhà giáo, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Còn các sinh viên hiện đang học tập dưới mái trường đại học Phú Yên thì đang háo hức chờ đón những bài giảng được chắt chiu, tích lũy qua bao năm tháng phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi của thầy. Sinh viên ngành Sư phạm Toán Đặng Tường Quân cho biết: “Thầy Vị giảng dạy rất nhiều môn như Toán giải tích, Logic học, Xác suất thống kê và các chuyên đề về quản lý giáo dục. Em may mắn được học thầy môn Toán giải tích. Niềm say mê nghiên cứu đã giúp thầy tích lũy được nhiều kiến thức quý báu nên những giờ giảng của thầy không chỉ có kiến thức hàn lâm mà còn giúp chúng em giải quyết được nhiều vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn. Chính lối tư duy sắc sảo và khúc chiết được truyền tải bởi một kỹ năng sư phạm logic, chặt chẽ, mạch lạc của thầy giúp người học say sưa khám phá các chân trời kiến thức mới, biến quá trình học thành một hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của bản thân”.
Bằng trí tuệ, đạo đức và tâm huyết, PGS-TS Nguyễn Huy Vị vẫn âm thầm ngày đêm ươm mầm, “truyền lửa” cho các sinh viên trở thành những người có ích cho đất nước. Đây cũng là cách người PGS-TS này góp phần xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng phát triển.
Năm 1988, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đổi mới quản lý, giao quyền tự chủ cho các trường cao đẳng, đại học tự ra đề thi tuyển sinh hệ chính quy cho trường mình, đề Toán của Hội đồng tuyển sinh Trường CĐSP Nha Trang do thầy giáo trẻ Nguyễn Huy Vị làm Trưởng đề là đề thi duy nhất của Hội đồng được Bộ GD-ĐT thẩm định là đúng, chính xác mà không cần thêm một lời bình luận. Tôi đã có ấn tượng tốt và bắt đầu chú ý đến người đồng nghiệp trẻ này. Con đường đi lên của Vị ở Trường CĐSP Nha Trang hồi ấy rất thênh thang nên khi biết Vị chọn trở về quê hương, đối mặt với tình trạng “làm lại từ đầu” của cơ sở CĐSP Phú Yên, tôi đã đánh giá rất cao phẩm cách quên mình vì sự nghiệp giáo dục của nhà giáo này. Trong quá trình thực hiện vai trò của nhà quản lý giáo dục, Nguyễn Huy Vị đã thể hiện được sự am tường về lý luận và thực tiễn về tình hình giáo dục đại học trong và ngoài nước nên đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong sự phát triển giáo dục đại học cho tỉnh nhà.
Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên
|
Theo Phú Yên Online