“Giá như” là từ mà nhiều cựu sinh viên nhắc đến khi nhìn lại bốn năm lãng phí trên giảng đường. Thay vì những lần thức trắng đêm ôn thi lấy điểm gạo, sinh viên đã có thể đầu tư cho tiếng Anh.
|
Sinh viên trò chuyện cùng người nước ngoài trước tòa Bưu điện thành phố - Ảnh: Hữu Thuận |
Tại buổi họp lớp đầu tiên của tân sinh viên, đại diện khoa luôn thông báo chương trình học trong bốn năm và chuẩn đầu ra về tiếng Anh, tin học, chính trị, quốc phòng để sinh viên chuẩn bị cho ngày xét tốt nghiệp.
Đáng tiếc, nhiều sinh viên ỷ lại vào bốn năm dài đăng đẵng mà trì hoãn các mục tiêu cho đến khi nhận ra bạn bè đã ra trường, chỉ còn mình ở lại.
Chưa thể ra trường vì vướng tiếng Anh
Nhiều trường hợp phổ biến là sinh viên năm cuối đi làm trong tình trạng chưa có bằng tốt nghiệp dù các môn học đã hoàn thành chỉ vướng mỗi chứng chỉ tiếng Anh. Đơn vị tuyển dụng rất khó ký hợp đồng lao động chính thức và tăng lương với người chưa có bằng cấp.
Nhưng càng lớn tuổi sức học càng kém cộng thêm áp lực “cơm áo gạo tiền” khiến việc học tiếng Anh càng khó khăn. Phần lớn các trường, đơn vị truyển dụng hiện nay chấp nhận một số chuẩn tiếng Anh thông dụng như TOEIC, IELTS, TOEFL, chỉ một số ít còn công nhận chứng chỉ A, B.
Với những bài kiểm tra theo chuẩn quốc tế, sinh viên phải rèn luyện nhiều kỹ năng nghe, nói, đọc, viết về các chủ đề thời sự và học thuật, chứ không chỉ vài điểm ngữ pháp cố định như ở cấp học phổ thông. Sinh viên có thể học ở các trung tâm Anh ngữ để đạt chuẩn đầu ra mà trường yêu cầu.
Dù đã chuẩn bị tâm lý bước vào môi trường mới, nhưng kể cả những bạn có nền tảng tốt ở bậc phổ thông thì việc học tiếng Anh ở đại học cũng là một cú sốc.
Nhớ lại ngày đầu nhập học, Vương Phan Huy Hoàng - sinh viên khoa báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: “Ở quê dạy tiếng Anh một kiểu, thành phố dạy kiểu khác. Bước vô đại học mình thấy như bị “sụp hố”.
Bản thân quá chú trọng ngữ pháp trong khi nghe yếu, nói dở, chỉ có đọc hiểu, viết là kha khá. Lúc nào cũng bị lệ thuộc vào mẫu câu hỏi có sẵn trong sách giáo khoa, lẩn quẩn cứ “how are you? I’m fine, thank you”. Khả năng ứng biến khi giao tiếp gần như không”.
ThS Tô Thùy Trang - giảng viên bộ môn tiếng Anh Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM cho biết: “Việc các tân sinh viên bỡ ngỡ, ngạc nhiên thậm chí cảm thấy thua kém rất xa so với nhiều sinh viên khác là bình thường do thực tế có nhiều bạn được gia đình đầu tư từ nhỏ, đến năm 18 tuổi đã sử dụng tiếng Anh như người bản xứ.
Thêm nữa là phương pháp dạy tiếng Anh ở ĐH chủ yếu định hướng cho SV tự học, thầy cô không có nhiệm vụ hướng dẫn tỉ mỉ như thời phổ thông. Các bạn cần chuẩn bị tinh thần tự học rất nhiều mới mong trải qua thời đại học đầy ý nghĩa và hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, tất cả sự thua thiệt đều có thể bù đắp bằng việc tự học, tính chủ động trong tìm kiếm thông tin và chăm chỉ của bản thân”.
Kỹ năng sống còn
Thực tế cho thấy khi sinh viên xem tiếng Anh như một môn học phải vượt qua thì sau tấm bằng, mọi kiến thức đều dễ dàng bay đi.
ThS Thùy Trang chia sẻ: “Dù bạn thích thừa nhận hay không, tiếng Anh thực tế đang là kỹ năng sống còn trên thị trường lao động, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Trong đó yếu tố gây ấn tượng đầu tiên là kỹ năng nói, nghe. Tuy nhiên đáng tiếc là chương trình dạy cấp phổ thông ở VN lại nhấn mạnh kỹ năng đọc”.
Để sử dụng tiếng Anh cho một cơ hội nghề nghiệp tốt, môi trường sách vở, lớp học thôi chưa đủ. Nhiều sinh viên bước ra ngoài để thực hành tiếng Anh như tham gia vào một số CLB nghe nói, làm thêm ở quận 1, qua lại phố Tây Phạm Ngũ Lão (TP.HCM), đi bảo tàng và lễ hội đa văn hóa...
Một số sinh viên vốn tiếng Anh khá tốt nhận dạy kèm người nước ngoài học tiếng Việt và ngược lại, họ dạy lại tiếng Anh. “Nhưng tiếng Anh ở những nơi đó sẽ bị giới hạn trong từ vựng giao tiếp, không thể nâng cấp lên tầm cao mới, cho dù làm một, hai năm trình độ vẫn vậy.
Trong khi đó, tôi biết nhiều sinh viên tại Trường ĐH Ngoại thương thường xin việc làm bán thời gian tại các công ty xuất nhập khẩu để có cơ hội sử dụng tiếng Anh gắn với chuyên ngành từ năm 1, năm 2” - cô Trang chia sẻ.
“Có nhiều phương pháp học tiếng Anh tùy vào trình độ và chiến lược chinh phục của mỗi người. Mục đích và cách tiếp cận ngoại ngữ rất quan trọng. Có thể bạn đọc, học theo sách nhuần nhuyễn nhưng khi rơi vào bối cảnh giao tiếp cụ thể, bạn hoàn toàn lúng túng khi tương tác trong thực tế.
Theo tôi, sinh viên đầu tiên nên chú trọng kỹ năng nghe. Xem phim, nhạc, nghe phát thanh tin tức... để tạo trí nhớ tiềm thức về từ vựng, ngữ điệu, phát âm, ngữ pháp, sau đó sẽ có ích cho kỹ năng nói, dịch.
Tuy nhiên, mỗi người phải đạt số giờ nghe tối thiểu thì năng lực mới bước qua trình độ mới, chứ không phải nghe một hai ngày, dùng thêm chiêu là giỏi. Đó là điều không tưởng”.
Nhiều sinh viên chọn cách đến trung tâm ngoại ngữ để học một số phương pháp được quảng cáo là đặc biệt, hiệu quả, khoa học. Nhưng tất cả vô hiệu nếu người học không chủ động, thiếu đầu tư và động lực.
“Sinh viên có thể chọn học tại các trung tâm Anh ngữ gần nhà, giá mềm bởi quan trọng nhất vẫn là ý chí tự học. Nguyên tắc để học tiếng Anh và tạo ra kết quả rõ nhất là quyết tâm và duy trì sự tự học liên tục từ một đến sáu tháng tùy năng lực học bẩm sinh mỗi người” - ThS Thùy Trang nhấn mạnh.
“Ngoài ra, khi xã hội ngày càng hội nhập, ai cũng có thể giao tiếp tiếng Anh khá tốt thì lợi thế cạnh tranh tuyệt đối và lâu dài là tiếng Anh chuyên ngành”.
Hoàng Thị Ngọc Minh - sinh viên năm cuối khoa sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM cho biết: “Mình vừa được chọn tham gia chuyến khảo sát thực địa dài ngày, được đài thọ chi phí cùng chuyên gia nước ngoài tại Đồng Nai. Sống trong rừng, đoàn giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Anh, riết mình quen.
Trình độ tiếng Anh của mình chỉ khá thôi nhưng cứ mạnh dạn hỏi đáp, sai thì họ sửa cho mình. Đôi chỗ khó hiểu phải tra từ điển, đêm về học lại toàn bộ từ mới nhất là thuật ngữ chuyên ngành. Nhờ chuyến đi đó, Minh tiếp cận được một số tài liệu và kinh nghiệm mới mà bốn năm học chưa biết”.
Theo Tuổi Trẻ Online