Nhiều người ở Phú Yên biết TS Nguyễn Thị Thu Trang là Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên và là một người giảng dạy nghiên cứu văn học. Sau khi trình làng nhiều đầu sách có giá trị, chị vừa ra mắt tập “Cảm nhận văn chương” (NXB Hội Nhà văn), một cuốn sách được trình bày trang nhã và rất đẹp, tập hợp 36 bài viết nghiên cứu - phê bình văn học mang dấu ấn cá nhân của người viết.
|
Bìa tập sách Cảm nhận văn chương - Ảnh: Đ.T.TRỰC |
TS Nguyễn Thị Thu Trang đã đặt một số tác giả vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử cụ thể để nghiên cứu. Ví dụ chị đặt bài thơ “Thăng Long hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan trong thời điểm cả nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội để nghiên cứu với mong “tìm chút cổ kính xưa” và “hơn cả một nỗi niềm là một tình yêu tha thiết dành cho Thăng Long - Hà Nội”. Đặt Hàn Mặc Tử nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà thơ, tác giả nhận ra rằng “Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác. Trăng như vừa khát khao thánh thiện, vừa như nỗi đau quằn quại ứa máu, vừa là sự chiêm nghiệm phản biện với cuộc đời bằng một tư duy thơ rất lạ và độc đáo”. Ngoài các cây bút thơ như Huy Cận, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh…, chị còn tìm hiểu một số tác giả văn xuôi như Võ Hồng, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc… Khi viết về Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, chị chỉ khai thác trong bình diện văn hóa Nam Bộ, phát hiện ra điểm đặc biệt của nhà văn Sơn Nam là “luôn thể hiện con người như là một phần của tự nhiên, không thể tách khỏi tự nhiên”. Khi viết về Võ Hồng, chị đặt trong bối cảnh đất và người Phú Yên. “Làng Ngân Sơn của nhà văn với con sông Phường Lụa trong trẻo, những bến đò đông đúc, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Châu Lâm” và “trên những con đường quê nối An Thạch với An Thổ…”, có “bóng dáng của những người nông dân lam lũ, cần cù suốt đời gắn bó vớt đất”.
Dù nghiên cứu thơ hay văn xuôi, chị cũng đi từ cuộc đời đến đặc điểm tác phẩm rồi nhận định được đặc trưng văn chương của người đó. Đọc thơ Trần Huiền Ân trước năm 1975, chị khái quát rồi nhận định: “Dù đã được đi nhiều nơi, bạn bè với nhiều người và bản thân có tính cách cởi mở nhưng gốc rễ thơ Trần Huiền Ân vẫn là vốn văn hóa nông thôn thuần khiết pha với một chút mơ mộng cổ điển và một chút sầu bi thất vọng của con người hiện đại”. Ngược lại, đọc thơ Hoàng Đình Huy Quan, chị viết: “Không gian thành phố quen thuộc trong thơ ông là cột điện, quán xá, nhà cửa, xe cộ và người người ngược xuôi gấp gáp. Nhà thơ ít nuôi cảm xúc về miền quê với trầu cau cỏ cây hiền lành và nếp sinh hoạt yên bình”. Chị từng quan niệm “chân trời văn chương thường xa thăm thẳm và không phải cứ mạnh dạn bay là vươn tới được” nên khi đọc Tiếng vọng ngày xanh của Huỳnh Văn Quốc, ngoài cảm hứng hoài niệm trở thành một nét riêng trong tác phẩm, chị còn cho rằng “đây không phải là sự quay về nguồn cội mà là nơi bắt đầu xanh tươi của anh trong cuộc đời và trong văn chương”.
Đọc tập sách, người đọc quen rất dễ thấy được tác giả sử dụng triệt để phương pháp so sánh trong nghiên cứu, có khi so sánh các nhà thơ trong phong trào Thơ mới, có khi so sánh hai tác giả ở hai giai đoạn khác nhau. Đọc thơ Trần Mai Ninh, chị đối chiếu với các nhà thơ chống Pháp; đọc thơ Hoàng Đình Huy Quan, tác giả liên hệ với thơ Thanh Tâm Tuyền, một người cách tân trong nhóm thơ Sáng tạo nổi tiếng trước năm 1975 ở miền Nam. Đọc văn của Trần Huiền Ân viết về cao nguyên Vân Hòa quen thuộc với bao sắc màu, ký ức tuổi thơ, tác giả liên tưởng đến nỗi nhớ xứ Bắc quen thuộc trong văn Vũ Bằng khi ông đang trôi dạt trời Nam.
Một đặc điểm riêng làm nên giá trị cuốn sách và cũng làm nên nét riêng của Nguyễn Thị Thu Trang là giọng điệu và lời văn. Dù là bài viết phê bình - nghiên cứu đòi hỏi văn phong khoa học mang tính học thuật nhưng nếu ai đã từng đọc nhiều bài viết, công trình của tác giả cũng dễ nhận ra và cảm tình với lối hành văn nhẹ nhàng, duyên dáng nhưng sắc sảo, thâm trầm của chị. Có lẽ chính tình yêu văn chương, sự cảm nhận giản dị mà máu thịt, sâu sắc về văn chương đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho những trang viế́t.
Theo Phú Yên Online