Có lẽ, ai đã từng đam mê điêu khắc thì sẽ khó lòng dứt khỏi niềm đam mê ấy! Và điều này đúng với những gì anh Nguyễn Thành Vinh (SN 1970), giảng viên Trường đại học Phú Yên, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật Phú Yên. “Tôi thích điêu khắc bởi tôi thích thổi hồn vào những vật vô tri vô giác và sáng tạo ra những hình khối có thực đầy sống động...”, anh Vinh thổ lộ.
Nguyễn Thành Vinh cần mẫn với công việc - Ảnh: THIÊN LÝ
Gắn cuộc đời với nghệ thuật
Từ nhỏ, anh Vinh đã đam mê mỹ thuật. Anh Vinh nhớ lại, trong các môn học có nhiều hình ảnh, nhất là môn Sinh học, anh được thầy cô yêu cầu vẽ nhiều hình ảnh khó trong bài. Điều đó không làm anh khó chịu mà ngược lại, luôn cảm thấy thích thú. “Từ đó, vẽ đã là sở thích của tôi lúc nào không hay”, anh Vinh nói.
Ông Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, đánh giá: “Anh Nguyễn Thành Vinh là một trong số ít hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên thành công với nghệ thuật điêu khắc. Sau thời gian nỗ lực theo đuổi với nghề, anh đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”. Đó là điều đáng khích lệ trong môi trường điêu khắc còn nhiều khó khăn như hiện nay”. |
Tốt nghiệp cấp ba, năm 1989, anh quyết tâm thi đậu vào ngành Mỹ thuật, Trường trung học Văn hóa - Nghệ thuật Khánh Hòa (nay là Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang). Sau 3 năm miệt mài nỗ lực học tập, ra trường anh chọn một xưởng mỹ thuật trên địa bàn TP Tuy Hòa làm “bến đỗ” đầu tiên. Sau đó, anh tiếp tục theo đuổi con đường học vấn khi thi đậu vào chuyên ngành Điêu khắc, Trường đại học Nghệ thuật Huế. Năm 1998, anh về giảng dạy tại Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên). Đến năm 2010, anh theo học cao học Mỹ thuật tại Đại học MahasaraKham (Thái Lan).
Và mảng đề tài về tình mẫu tử và hình tượng cá ngừ đại dương cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận mà anh Vinh theo đuổi trong những tác phẩm điêu khắc của mình. Vì vậy, mỗi khi tham dự các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, anh thường chọn tác phẩm thể hiện những đề tài này. Anh Vinh cho biết “Tình mẫu tử mà tôi muốn nhắc đến trong tác phẩm của mình không chỉ là tình cảm của riêng cá nhân ai mà đó là tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả của con người, thiên nhiên rộng lớn... Hay con cá ngừ đại dương là một hình tượng rất đỗi quen thuộc với người dân Phú Yên. Hơn nữa, đây còn là tiềm lực phát triển kinh tế của quê hương”.
Anh Vinh đã có hơn 20 năm tiếp cận với điêu khắc, tham gia nhiều triển lãm trong tỉnh và khu vực. Ngoài ra, anh Vinh còn tham gia sáng tác Tượng đài “Chiến thắng Xuyên Thanh” huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), Trại sáng tác điêu khắc “Ấn tượng Quảng Nam”, Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần 1, Lễ hội Điêu khắc Sáp Ubon - Thái Lan và có tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Ubon rachathai - Thái Lan.
Nhưng có lẽ, tác phẩm “Đời cá”, “Lòng mẹ” và “Hạnh phúc” là những đứa con mà anh “cưng” nhất cho đến nay. “Đời cá” là tác phẩm được làm bằng kim loại, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và được đề nghị tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2014. Tác phẩm “Lòng mẹ” được làm bằng sáp và đang được trưng bày tại Bảo tàng Ubon rachathai - Thái Lan.
Còn “Hạnh phúc” là tên tác phẩm, cũng là chủ đề một tác phẩm điêu khắc bằng sắt hàn của anh. Đây là một trong sáu tác phẩm tiêu biểu tại Trại sáng tác điêu khắc năm 2018 do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức. Trước đó, anh Vinh đã đoạt giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tác phẩm “Xích lô” làm bằng chất liệu composic.
Khắc khoải với nghề
Là một nhà giáo yêu nghề, anh Vinh luôn tâm niệm về vai trò của người dìu dắt, người truyền lửa cho thế hệ trẻ có cái nghề, có đam mê thật sự nhằm tiếp tục gìn giữ giá trị nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, anh cũng phải thừa nhận rằng, điêu khắc kén người học lẫn người chơi. Hầu hết công việc liên quan đến môn nghệ thuật này đều khá nặng nhọc, chẳng hạn như: làm sắt, làm cốt sắt, nặn đất... Vì vậy, trên thực tế, theo học môn nghệ thuật điêu khắc hầu hết là nam. Thông thường, trong một khóa học thì số lượng người học điêu khắc chiếm khoảng 2/10 đối tượng học mỹ thuật.
Theo anh Vinh, để theo đuổi nghề điêu khắc, ngoài năng khiếu, sức khỏe... thì niềm đam mê là yếu tố quyết định đến sự thành công của một người nghệ sĩ. Có đam mê thì ắt hẳn ta sẽ quyết tâm rèn luyện, theo đuổi nghề đến cùng. Ví dụ đơn giản nhất là khi làm việc bắt buộc làm tại xưởng, đảm bảo đầy đủ thiết bị, máy móc cần thiết, chưa kể đến sự vất vả bụi bặm và phải biết tất tần tật các công việc từ sơn, đắp, cắt gọt đến mài giũa... Vì thế có thể nói, để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật là cả một quá trình lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cần mẫn.
Đến với nghề từ cái duyên, nhưng để “sống” được với nghề rất cần sự cần mẫn, chịu khó. Nhất là khi đời sống của nghệ sĩ điêu khắc hiện nay không có nhiều thuận lợi. Nhiều nghệ sĩ điêu khắc không thể chuyên tâm cho sáng tác bởi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” hoặc phải làm thêm những công việc khác để có tiền nuôi dưỡng đam mê. Bản thân anh Vinh lúc mới vào nghề cũng phải “lấy ngắn nuôi dài”. Đến bây giờ, anh Vinh cảm thấy may mắn khi có thể dung hòa cả nghề và cuộc sống.
Anh chia sẻ: “Hiện tại, ngoài việc giảng dạy, tôi còn nhận chế tác theo đơn đặt hàng như: phù điêu, tượng đài, hoặc những gì liên quan đến hình khối, không gian ba chiều, trang trí nội - ngoại thất, non bộ, tiểu cảnh... Làm thêm nhiều việc liên quan đến nghề không chỉ để kiếm sống mà còn là một cách để duy trì đam mê. Có va chạm với nghề mới “đẻ” ra nhiều ý tưởng”.
Theo Phú Yên Online.