Ở cái tuổi ngoài 50 nhưng vợ chồng cô Ngô Thị Kim Hương, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên và họa sĩ Nguyễn Huỳnh Ân vẫn vẹn nguyên niềm đam mê mỹ thuật, truyền dạy những kiến thức mình có được cho lớp trẻ. Đặc biệt, với lòng yêu nghề, yêu trẻ, cô Kim Hương còn mang đến cho các em khuyết tật niềm tin yêu vào cuộc sống qua từng nét vẽ.
Vợ chồng cô Ngô Thị Kim Hương và họa sĩ Nguyễn Huỳnh Ân say mê với hội họa
Tôi tìm đến ngôi nhà có thiết kế đặc biệt với khoảng giếng trời xanh ngắt lọt thỏm giữa kiến trúc hiện đại. Ngôi nhà ấy nằm trên một con đường nhỏ cạnh chợ phường 7 (TP Tuy Hòa), mà nhiều năm nay, không ít học sinh yêu và say nghề cầm cọ vẫn âm thầm, lặng lẽ tìm đến “tầm sư học đạo”. Họa sĩ Nguyễn Huỳnh Ân năm nay gần 60 tuổi, ông từng học chuyên ngành Hội họa tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Trường đại học Nghệ thuật Huế) và Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Sau đó, họa sĩ Huỳnh Ân về làm công tác văn hóa tại huyện Sông Cầu (nay là TX Sông Cầu) và huyện Đồng Xuân. Năm 1998, ông chuyển công tác vào Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên) giảng dạy bộ môn Mỹ thuật.
Cô Hương vốn là cô giáo dạy Văn tại Trường cấp 2-3 Lê Lợi (nay là Trường THPT Lê Lợi, huyện Đồng Xuân). Khi chồng chuyển công tác vào Trường đại học Phú Yên, cô cũng nối bước theo chồng vào thành phố và được phân công giảng dạy cho những học sinh đặc biệt ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên.
Được biết đến như một trong những “cây cọ” có chuyên môn vững, họa sĩ Huỳnh Ân không chỉ bận rộn với công việc đào tạo đội ngũ giáo viên mỹ thuật tương lai mà còn thu hút nhiều học trò đủ mọi lứa tuổi đến xin học vẽ tại gia. Hễ tới mùa luyện thi, lớp trong lớp ngoài, đâu đâu cũng thấy bản vẽ, người ngồi người đứng, đủ mọi tư thế. Thương chồng, thương các em vất vả lại sẵn có năng khiếu hội họa trong người, cô Kim Hương tình nguyện trở thành “trợ lý” bất đắc dĩ hướng dẫn các em bằng những kiến thức học được từ chồng. Những ngày là cánh tay đắc lực của chồng, cô tìm được tình yêu thực thụ với hội họa, đặc biệt là vẽ tranh một màu. Họa sĩ Huỳnh Ân, người tự tay dạy vẽ và gắn bó với cô Kim Hương suốt quãng đường dài, dí dỏm nhận xét “cô ấy vẽ tốt, rất chịu khó và có tính sáng tạo”.
Từ đó, cô Kim Hương bắt đầu mang tình yêu hội họa của mình đến với trẻ khuyết tật, giúp các em bày tỏ những suy nghĩ và mong ước của mình qua những bức tranh. Đối với cô Kim Hương, những nét vẽ nguệch ngoạc tưởng như “vô thưởng vô phạt” nhưng lại chất chứa trong đó những nỗi niềm riêng tư mà các em không thể nói thành lời. Và biết đâu rằng, những bức tranh từ chính tâm hồn ngây thơ và hồn nhiên ấy lại là những họa sĩ tài năng mai sau.
Không giống như những đứa trẻ bình thường khác, trẻ khuyết tật ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên từ lúc lọt lòng mẹ đã chịu nhiều thiệt thòi cả về thể chất lẫn trí tuệ. Với tình yêu thương của một người mẹ dành cho các con, cô Hương đã không quản ngại khó khăn, uốn nắn cho các em từng nét vẽ. Và cũng nhiều lần, chính các em đã làm cô Kim Hương không giấu nổi niềm xúc động về sự cố gắng của các mầm non. Điều đó đã trở thành động lực để cô đem hết khả năng của mình truyền đạt cho các em, nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu nghệ thuật cho thế hệ trẻ.
Cô Kim Hương chia sẻ: “Ban đầu, tôi thật sự lo lắng vì chưa bao giờ trải qua một môi trường đặc biệt như thế này. Nhưng khi được tiếp xúc, nhìn những ánh mắt ngây ngô, thơ dại của các em, tôi không khỏi thương cảm và tự nhủ lòng đem hết sức mình để giúp đỡ các em. Thế nhưng, để có thể biến tình yêu thương đó thành hành động quả là một điều không hề dễ dàng”.
Em Đặng Thị Hồng Ngọc, dù bị khiếm thính không thể nghe hay nói nhưng em đã phấn đấu, nỗ lực hết mình và liên tiếp giành giải A trong hội thi tô tượng và vẽ tranh “Nhành cọ non” do Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên tổ chức. Hồng Ngọc bày tỏ: “Mặc dù không được như các bạn đồng trang lứa nhưng em luôn phấn đấu để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Em tin rằng, mọi người sẽ đón nhận những bức tranh của em bằng cả trái tim”. Còn khi được hỏi về niềm đam mê hội họa của mình, cô bé nhỏ nhắn Phạm Võ Cẩm Thi, một trong những cây cọ xuất sắc của trung tâm, cho biết: “Đơn giản vì em thích vẽ. Mỗi khi được cầm bút vẽ, em lại cảm thấy mình hạnh phúc và tràn đầy hy vọng. Em rất biết ơn các thầy cô đã truyền tình yêu nghệ thuật cho em”.
Mặc dù không được đào tạo từ trường lớp hội họa nhưng cô Ngô Thị Kim Hương luôn có niềm đam mê mãnh liệt về lĩnh vực này. Trong những tiết học ở lớp, cô Hương luôn cố gắng truyền dạy bằng tất cả tấm lòng và kinh nghiệm học được từ người thầy, người chồng của mình. Trong các cuộc thi vẽ, cô cùng các thầy cô giáo ở trung tâm nhiệt tình hỗ trợ các em từ cách thể hiện, trình bày bố cục đến ý tưởng sáng tạo... Bên cạnh đó, cô còn tích cực dạy vẽ cho trẻ em tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên, góp phần nuôi dưỡng, chắp cánh cho tâm hồn trẻ thơ.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển
Giáo dục hòa nhập Phú Yên Trần Thị Tuyết Dương
|
Theo Phú Yên online