Chiều 20/6/2017, với 88,39% số đại biểu có mặt tán thành, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 12/7/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Ảnh: Quochoi.vn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) có những điểm mới như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thuộc Phần Những quy định chung của BLHS năm 2015 để bảo đảm sự nhất quán trong chính sách xử lý; bảo đảm tính bao quát, toàn diện và phù hợp hơn với thực tiễn
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng kế thừa quan điểm của BLHS năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật và chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với hai tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản. Bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015; bổ sung quy định tại Điều 76 của BLHS theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm cả đối với hai tội danh là tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.
Thứ hai, nhiều tử tù sẽ thoát khỏi “cửa tử”
Theo đó, kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 được công bố: Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp quy định như trên, nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân; Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của BLHS năm 2015 thì không thi hành án và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Đối với những người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì cũng không thi hành án nữa và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Thứ ba, thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm
Người không tố giác là người bào chữa thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, trừ những trường hợp sau đây:
+ Các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia); hoặc
+ Tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Thứ tư, Luật số 12/2017/QH14 đã bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015), đồng thời, bổ sung một tội danh mới - đó là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a BLHS) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian vừa qua, gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
PHÒNG THANH TRA