Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6. Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Ngoài quy định chung về chính sách giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân, Luật Giáo dục 2019 còn có nhiều điểm mới nổi bật đáng chú ý:
Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. (Ảnh minh họa: VTV)
1. Làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục
Luật Giáo dục đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 9, Điều 10).
2. Nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên
Có thể thấy, Luật Giáo dục 2019 đã nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học. Cụ thể, Luật quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học, Luật quy định trình độ chuẩn được đào tạo từ đại học lên thạc sĩ. Đối với nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
3. Sinh viên Sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục 2019. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2020, học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Ngoài ra, học sinh, sinh viên sư phạm nói riêng và các sinh viên chuyên ngành khác nói chung sẽ được hưởng các chính sách dành cho người học theo quy định như sau
- Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.
- Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
4. Người học sư phạm phải bồi hoàn học phí nếu làm việc không đúng ngành
Đây tiếp tục là một trong những nội dung mới quan trọng được quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Theo đó, những học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
5. Nhà giáo được ưu tiên hưởng tiền đặc thù, xếp lương theo vị trí việc làm
Điều 76 Luật Giáo dục 2019 quy định về tiền lương của nhà giáo có nêu rõ nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật Giáo dục 2005, Luật hiện hành chỉ quy định nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
6. Nghiêm cấm giáo viên lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật
Đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục được quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Theo đó, kể từ ngày 01/7/2020, tất cả giáo viên không được phép lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật. Đây là quy định mới được bổ sung tại Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục 2005 hiện hành không quy định về vấn đề này.
Ngoài ra, Luật Giáo dục 2019 cũng quy định thêm các hành vi bị nghiêm cấm khác trong cơ sở giáo dục như: Cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; cấm xuyên tạc nội dung giáo dục; cấm gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; cấm hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự; cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
7. Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận
Bên cạnh các loại hình trường công lập, trường dân lập và trường tư thục theo quy định hiện hành tại Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2019 đã bổ sung thêm quy định về loại hình trường tư thục không vì lợi nhuận.
Cụ thể, trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Đồng thời, Luật cũng bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
8. Miễn học phí học sinh THCS và mầm non theo lộ trình từ ngày 01/7/2020
Theo Luật Giáo dục 2019, kể từ ngày 01/7/2020, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Ở các địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục tư thục sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đối với trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang vien biển, hải đảo thì được miễn học phí. Những trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc các đối tượng trên và học sinh trung học cơ sở sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
9. Từ 01/7/2020, mỗi môn học phổ thông sẽ có một hoặc một số sách giáo khoa
Theo Luật Giáo dục 2019, từ ngày 01/7/2019, mỗi môn học giáo dục phổ thông sẽ có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn SGK, Luật giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Luật cũng quy định rõ, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK giáo dục phổ thông sẽ bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và các bên liên quan. Đặc biệt, Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
10. Quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục
Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Luật Giáo dục đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định.
11. Bổ sung mục tiêu con người Việt Nam "có văn hoá, sáng tạo cá nhân" và hội nhập quốc tế
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng khẳng định trong Luật Giáo dục sửa đổi không trực tiếp đề cập tới “triết lý giáo dục”, nhưng hàm ý của vấn đề này sẽ được thể hiện qua “mục tiêu”.
Theo Luật Giáo 2019, giáo dục Việt Nam có mục tiêu "phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế".
So với mục tiêu giáo dục trong bộ luật năm 2005, tiêu chuẩn về “con người Việt Nam” mà giáo dục hình thành nên của bộ luật này đã được bổ sung thêm những tiêu chí như “có văn hoá”, được "phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo cá nhân”. Còn nền giáo dục có thêm trọng trách “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và đáp ứng thêm yêu cầu “hội nhập quốc tế”.
File thông tin đầy đủ: luật giáo dục 2019.pdf
Lê Thanh Sơn - Phòng Thanh tra (st)