Quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được các bản Hiến pháp ghi nhận. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5) đang đến gần, việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về quyền bầu cử đang được các cơ quan tổ chức bầu cử chú trọng.
Tranh tuyên truyền, cổ động bầu cử được đặt trước Quận ủy Đống Đa, Hà Nội Ảnh: TTXVN
Tùy thuộc thời gian cư trú hoặc quan hệ gắn bó với địa phương nơi đăng ký tham gia bầu cử mà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định từng nhóm đối tượng cử tri có phạm vi tham gia bầu cử không hoàn toàn giống nhau.
Những trường hợp cử tri chỉ được bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh
Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cử tri vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì làm thủ tục để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.
Cử tri thuộc danh sách cử tri ở các khu vực bỏ phiếu được tổ chức trên địa bàn các quận của TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng (nơi tổ chức mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND quận, phường).
Những trường hợp cử tri chỉ được bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện
Cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nơi mình đang tạm trú.
Cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú và tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Cử tri thuộc danh sách cử tri ở các khu vực bỏ phiếu được tổ chức trên địa bàn thành phố Thủ Đức, địa bàn các quận, thị xã của TP Hà Nội (nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND phường).
Những trường hợp cử tri được bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở cả ba cấp
Cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ở cả 3 cấp khi thuộc các trường hợp sau: Cử tri là người thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu; cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên; công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ đã làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú.
Bên cạnh đó, người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc và đã làm thủ tục để được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cại nghiện bắt buộc và được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú.
Theo TTXVN/Vietnam+