7giờ 30 sáng 11/3, tại khuôn viên Trường đại học Phú Yên, gần 5.000 học sinh thuộc các trường THCS và THPT, THPT trên địa bàn Phú Yên đã có mặt tham gia Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 do Báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) phối hợp với Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn và Trường đại học Phú Yên tổ chức.
|
ThS Lê Văn Hiển, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh tư vấn cho học sinh - Ảnh: THÚY HẰNG |
Giảm điểm ưu tiên, làm tròn điểm theo cách mới…
Mở đầu chương trình tư vấn, ông Nam Nhật Minh, Phó Phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng (Bộ GD-ĐT) thông tin đến thí sinh những nét mới quan trọng trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, ông Minh cho biết Bộ GD-ĐT vừa công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cụ thể, về quy chế thi THPT quốc gia 2018, ông Minh nêu 2 điểm mới. Trong đó ở nội dung thi, nếu năm 2017, nội dung thi chỉ ở chương trình lớp 12 thì năm nay nằm ở cả chương trình lớp 11 và 12. Đồng thời, điểm thi sau khi công bố sẽ làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Nói rõ thêm về quy định làm tròn điểm xét tuyển, ông Minh cho biết, năm nay, bộ có sự điều chỉnh, đó là điểm trúng tuyển được tính là tổng điểm 3 môn thành phần trong tổ hợp, làm tròn lấy đến 2 số thập phân. Khi đó, mức độ chênh lệch rất nhỏ và điều này rất có lợi cho thí sinh. Mặt khác, năm nay ngưỡng đầu vào không còn quy định nữa, trừ hệ đào tạo sư phạm. Trong thông tư sửa đổi mới ban hành có quy định những trường xét học bạ ngành sư phạm hệ đại học, thí sinh phải đạt học sinh giỏi lớp 12, hạnh kiểm tốt.
Về ưu tiên trong tuyển sinh, ông Minh thông tin, năm nay ưu tiên theo đối tượng không thay đổi. Đối với ưu tiên theo khu vực thì quy định về khu vực không thay đổi nhưng mức cộng điểm thay đổi, giảm đi một nửa. Cụ thể, từ năm 2017 trở về trước, thí sinh ở khu vực 1 được cộng 1,5 điểm; khu vực 2 nông thôn được cộng 1 điểm và khu vực 2 được cộng 0,5 điểm. Năm nay, với quy chế mới, thí sinh khu vực 1 chỉ được cộng 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn được cộng 0,5 điểm; khu vực 2 được cộng 0,25 điểm.
Tránh ngộ nhận khi lựa chọn ngành
Bên cạnh việc cung cấp những thông tin chung về quy chế thi, những nét mới trong phương thức xét tuyển tại kỳ thi năm nay, phần lớn thời gian còn lại, chương trình tập trung giải đáp những thắc mắc về ngành học và cách chọn trường, chọn ngành của thí sinh. Trong đó, mong muốn mô tả kỹ về các ngành đào tạo, cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường của các ngành là những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất ở hai khu vực tư vấn chuyên sâu theo 2 nhóm ngành: Khoa học xã hội, y dược, công an, quân đội, luật, sư phạm, ngoại ngữ; Kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng, kỹ thuật công nghệ, nông lâm, giao thông, điện tử…
|
Em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: THÚY HẰNG |
Em Nguyễn Thị Tú My, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu đặt vấn đề về cơ hội việc làm cho ngành marketting? Trả lời cho câu hỏi này, ThS Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Marketing nói: Đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì phải có lĩnh vực marketing để quảng bá hình ảnh thương hiệu. Nhà sản xuất đưa sản phẩm ra, mà người tiêu dùng không biết thì không ai mua. Vì vậy cần có lĩnh vực giới thiệu là marketing để gắn kết sản xuất và tiêu thụ. Đây là nhóm ngành kinh doanh quản lý, tùy thế mạnh từng trường xây dựng chuyên ngành phù hợp với từng trường. Trường đại học Tài chính - Marketing có các chuyên ngành quản trị marketring, quản trị thương hiệu, truyền thông marketing, quan hệ công chúng (PR). Lĩnh vực này thích ứng với các bạn trẻ, những người có nhiều ý tưởng sáng tạo. Cũng liên quan đến ngành học này, em Nguyễn Trần Anh Chương, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi nêu: “Em nghe nói marketing là đi phát tờ rơi, phải không thưa các thầy”. ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh giải thích cặn kẽ hơn: Một trong những lý do sinh viên bỏ học là chọn sai nghề, sai ngành, chọn trường không trúng nên không chịu nổi học phí… Với marketing là có phát tờ rơi không? Có. Học ra làm công tác quảng bá. Ví dụ mở nhà máy sản xuất về cá bán ở Phú Yên. Nếu không marketing thì không biết nhà máy này, công ty này bán gì. Marketing là để gắn kết người tiêu dùng với nhà máy. Hiểu - biết - yêu và mua. Đó là bốn mức độ của người làm marketing.
Em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong băn khoăn: “Em rất thích học luật, nhưng nhiều người bảo học luật vừa khó học lại khó xin được việc làm”. ThS Lê Văn Hiển, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh trấn an: Học ngành nào cũng có cái khó riêng, miễn sao chúng ta yêu thích và biết theo đuổi đam mê. Luật có nhiều chuyên ngành nên em cần tìm hiểu kỹ chuyên ngành mà mình có thể theo học tốt. Cứ thích, học, tốt nghiệp khá, giỏi chắc chắn có việc làm.
Đừng lo trường lớn hay trường nhỏ
Tại chương trình tư vấn, nhiều học sinh có sự so sánh khi cùng một ngành nhưng các trường đào tạo khác nhau như thế nào, nhất là ở khu tư vấn nhóm ngành Kinh tế khi ban tư vấn có sự tham gia của tất cả đại diện các trường, học viện uy tín ở khối này. Em Võ Thành Luân, học sinh Trường THPT Trần Suyền đặt câu hỏi: “Em muốn học ngành Quản trị kinh doanh, nhưng phải chăng ngành này học ở trường lớn thì mới có việc làm, còn học ở tỉnh lẻ thì cơ hội việc làm rất khó?”. TS Trần Thế Hoàng, Chủ tịch hội đồng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, khuyên các bạn trẻ phải chọn trường cho phù hợp. Theo ông, thí sinh không nên băn khoăn nhiều về việc học trường danh tiếng hay trường ở tỉnh, trường công hay trường tư. Thực tế tuyển dụng cho thấy nhà tuyển dụng quan tâm đến năng lực, trình độ, hơn là bằng cấp. Học tập là suốt đời, các em cứ học tốt, chọn đúng ngành theo năng lực, đúng trường theo điều kiện của mình và gia đình thì sẽ “thắng”!
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cũng nói: “Nếu yêu thích và thấy mình có năng lực ở ngành nghề nào đó thì các em hãy chọn, nếu xét thấy trường A danh tiếng nhưng điểm chuẩn cao, học phí cao thì hãy chọn ngành đó ở trường B có điểm chuẩn và học phí thấp hơn chẳng hạn. Đừng chọn ngành với suy nghĩ phải vào bằng được trường danh tiếng trong khi trình độ và điều kiện kinh tế gia đình còn giới hạn”.
Vẫn ám ảnh về nỗi lo thất nghiệp, nhiều học sinh ở khu tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội đặt các câu hỏi về cơ hội việc làm, phải làm gì để sau khi ra trường có việc làm ngay. Nhiều học sinh thấy ngành Đông Phương học của Trường đại học Khoa học xã hội - nhân văn rất “hot” nhưng lại không hiểu gì về ngành này và lo ngại sẽ thất nghiệp. Chia sẻ về điều này, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng trường này cho hay ở khoa Đông Phương có những sinh viên mới chỉ năm thứ ba đã có việc làm ổn định. Thầy Hạ cũng chia sẻ những ngành thuộc khối Nhân văn liên quan tới các nước châu Á như tiếng Hàn, Nhật... rất “đắt hàng” nếu các em đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo.
TS PHẠM VĂN CƯỜNG, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN: Thời điểm vàng để các em chọn ngành, chọn trường
Đây là thời điểm hàng triệu học sinh, phụ huynh trên cả nước tất bật chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi và xét tuyển sắp tới, học sinh không chỉ nỗ lực học tập tốt mà còn cần khéo léo lựa chọn ngành nghề phù hợp. Sự lựa chọn này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tương lai các em. Nếu lựa chọn đúng ngành yêu thích, các em sẽ có tương lai tươi sáng; nếu chọn sai, các em không chỉ làm mất thời gian, tiền bạc của gia đình mà còn gián tiếp tạo nên sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn lao động...
Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 đã cho thấy ý nghĩa quan trọng trong việc giúp học sinh cập nhật, nắm được những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia, định hướng về ngành nghề mình lựa chọn, từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng diễn ra sắp tới.
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH: Tư duy để lựa chọn một bậc học phù hợp
Chọn ngành, chọn nghề nếu chỉ vì thích hoặc đam mê thôi chưa đủ. Các em phải có một tố chất, một năng lực để phù hợp với ngành nghề. Vì với mỗi ngành nghề đều đòi hỏi một kỹ năng riêng. Mình thích là một chuyện, còn phù hợp hay không lại là một chuyện khác. Các em hãy dựa vào khả năng về kiến thức, về sức khỏe, tư duy để lựa chọn một bậc học phù hợp, một ngành nghề phù hợp.
Bên cạnh việc tự mình khám phá ra năng lực của bản thân bằng những trắc nghiệm nghề nghiệp, các em hãy hỏi ý kiến của cha mẹ, thầy cô chủ nhiệm lớp để tìm hiểu xem mình có phù hợp với ngành nghề đó hay không.
Đề thi THPT quốc gia năm 2018 có cả chương trình lớp 11, đặc biệt là đề thi năm nay sẽ có độ phân hóa cao để đánh giá chính xác năng lực của học sinh, vậy nên để tăng cơ hội trúng tuyển các em cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản toàn bộ chương trình, tránh học tủ học lệch thì mới đảm bảo được phương thức thi trắc nghiệm.
THẦY TRẦN VĂN TUYÊN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN: Học sinh thông suốt để học và thi
Cơ hội nghề nghiệp của học sinh là cực kỳ nhiều khi các em trang bị cho mình đủ hành trang trong việc chọn trường, chọn ngành. Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp hôm nay đã giúp gần 5.000 học sinh có mặt nói chung, hơn 400 học sinh của trường tôi nói riêng “bội thu” về các kỹ năng cũng như định hướng nghề nghiệp do các chuyên gia tư vấn trang bị.
Trước khi đến với chương trình, có thể với mỗi học sinh, việc xác định một nghề nghiệp tương lai là chưa rõ ràng, nhưng thông qua chương trình này, các em có thể tìm hiểu về những ngành nghề mà các em yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân, qua đó giúp các em thông suốt trong việc học và thi. Điều này cũng sẽ giúp nhà trường dễ dàng hơn trong giảng dạy theo nhu cầu của học sinh.
|
Theo Báo Phú Yên online