Trong mọi thời đại, mục đích của giáo dục là góp phần phát triển toàn diện nhân cách con người, bao gồm “đức, trí, thể, mỹ”. Ngày nay, yêu cầu về giáo dục toàn diện luôn được đặt ra, trong đó có giáo dục nghệ thuật được xem như phương tiện hữu hiệu trong việc hình thành và phát triển nhân cách.
Ở nước ta, mỹ thuật và âm nhạc là các môn học nghệ thuật đã được đưa vào trường phổ thông từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên mới chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Gần 20 năm trở lại đây, môn nghệ thuật mới được phổ cập trong chương trình giáo dục toàn quốc và có vị trí như các môn học khác của chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở (THCS).
Giảng viên và sinh viên trong giờ luyện âm
Hiện nay, mỗi năm có hàng triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được học âm nhạc và mỹ thuật một cách khoa học và hệ thống. Giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng là một thành phần không thể thiếu trong giáo dục bắt buộc ở hầu hết các nước trên thế giới, cho dù ở những nước đó có sự khác biệt về địa lý, chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, xã hội… Các quốc gia càng phát triển, sự chú trọng đối với giáo dục âm nhạc, mỹ thuật cho học sinh (HS) càng lớn.
Những nghiên cứu gần đây ở Nhật Bản cho thấy, giáo dục âm nhạc không chỉ tác động đến sự phát triển nhân cách và kỹ năng hội nhập cộng đồng mà còn góp phần phát triển năng lực của HS trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: toán, khoa học, khả năng ngôn ngữ... Thực tế, âm nhạc gắn liền với sự phát triển trí thông minh nói chung. Các nghiên cứu khoa học đã minh định rằng, đơn thuần chỉ nghe nhạc từ tuổi nhỏ có thể giúp cho trí não phát triển và năng động hơn. Vì thế, một chương trình giáo dục âm nhạc được xây dựng khoa học và dài hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Có thể nói, giáo dục âm nhạc có thể giúp trẻ em trở nên thông minh và sự phát triển dưới nhiều góc độ cũng tốt hơn.
Chú trọng giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn âm nhạc được triển khai ở tiểu học và THCS (từ lớp 1 đến lớp 9), với thời lượng mỗi lớp 35 tiết /35 tuần, riêng lớp 9 chỉ học trong học kỳ I. Với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, nội dung môn âm nhạc được chia theo hai giai đoạn, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12). Đối với cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Đối với cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học. Đối với cấp THPT, các môn học lựa chọn bao gồm: theo nhóm Khoa học xã hội (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Như vậy, theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn âm nhạc chỉ đào tạo ở cấp tiểu học và THCS, ở cấp THPT chương trình hiện hành không có môn âm nhạc. Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn âm nhạc được đào tạo từ cấp tiểu học đến THPT. Một trong những môn học được lựa chọn là môn nghệ thuật, "tích hợp" từ 2 môn âm nhạc và mỹ thuật (Sẽ là lần đầu tiên môn âm nhạc được dạy học ở cấp THPT). Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, môn nghệ thuật (gồm âm nhạc và mỹ thuật) sẽ triển khai ở cả ba cấp với thời lượng 70 tiết/năm, tương ứng với đó là số lượng giáo viên cần phải bổ sung để đảm bảo việc dạy học môn nghệ thuật.
Hiện tại, ở các trường tiểu học, THCS đã có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (thừa, thiếu cục bộ), nên việc bổ sung giáo viên nghệ thuật chủ yếu là ở cấp THPT. Tuy nhiên, cũng theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có trên 2.800 trường THPT, nếu mỗi trường phải thêm 01 giáo viên âm nhạc, 01 giáo viên mỹ thuật thì số giáo viên nghệ thuật cần thiết phải bổ sung cho cả nước là trên 5.000 người. Tỉnh Phú Yên hiện có 32 trường THPT, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi trường cần có ít nhất 02 giáo viên nghệ thuật, sẽ cần tuyển mới 64 giáo viên; chưa kể một số trường tiểu học, THCS hiện nay chưa đủ giáo viên nghệ thuật đảm bảo chuẩn nghề nghiệp hoặc đang trong tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
Đáp ứng nhu cầu cấp bách đó, các trường sư phạm trong cả nước nói chung, Trường Đại học Phú Yên nói riêng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, đào tạo giáo viên nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật), cung ứng kịp thời nguồn nhân lực được đào tạo, đảm bảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông để giảng dạy các môn nghệ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, năm 2019 Trường Đại học Phú Yên tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, trình độ cao đẳng hệ chính quy. Sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng, sinh viên các ngành này sẽ được học liên thông lên trình độ đại học để đáp ứng nhu cầu giáo viên nghệ thuật cho ngành giáo dục.
Ngoài ra, với chủ trương tăng quyền chủ động cho các nhà trường, việc các trường chia sẻ nguồn nhân lực theo các địa phương như: chuyển các giáo viên có trình độ đại học, có năng lực hiện đang dạy cấp tiểu học và THCS lên giảng dạy bậc THPT, tuyển mới những giáo viên có trình độ cao đẳng vào giảng dạy bậc tiểu học và THCS, hoặc mời người ngoài trường tham gia thỉnh giảng… là những giải pháp cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời nguồn giáo viên đảm bảo việc dạy học các môn nghệ thuật ở trường phồ thông trong thời gian đến.
Trong xu thế mới của thời đại, yêu cầu đổi mới giáo dục ở nước ta nói chung, các trường đại học - cao đẳng nói riêng, đang đặt ra với nhiều thách thức. Đặc biệt, với các cơ sở đào tạo có tính đặc thù: vừa là giáo viên, vừa là nghệ sĩ như lĩnh vực nghệ thuật, thì việc đào tạo giáo viên có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, có phương pháp tư duy khoa học, có nhân cách đạo đức nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của xã hội là việc làm rất quan trọng.
Th.s Trần Thị Hồng Vân
P.Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường ĐH Phú Yên