Ngày 05/7/2025, Khoa Khoa học Tự nhiên - Trường Đại học Phú Yên đã chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Dạy học Toán - Khoa học Tự nhiên theo hướng đổi mới, hội nhập”. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên phổ thông đến từ nhiều đơn vị trường học trong tỉnh: TS. Phan Bá Lê Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn, Buôn Ma Thuột... Về phía Trường Đại học Phú Yên, đến dự và chủ trì Hội thảo có TS. Lê Đức Thoang – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Văn Thưởng – Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Minh Cường – Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng; TS. Văn Thị Phương Như – Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, khoa, sinh viên Trường Đại học Phú Yên.

TS. Lê Đức Thoang - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Phú Yên
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Đức Thoang – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa, hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng sâu rộng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục STEM, thì đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu tất yếu. Đặc biệt, đối với các môn học cốt lõi như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học… việc tích hợp công nghệ hiện đại không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn hình thành năng lực tư duy sáng tạo và khả năng hội nhập toàn cầu cho người học. TS. Lê Đức Thoang khẳng định: “Hội thảo không chỉ là diễn đàn học thuật mà còn là điểm khởi đầu quan trọng cho những chuyển biến tích cực trong dạy học và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Phú Yên cũng như các cơ sở giáo dục tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.”

TS. Văn Thị Phương Như – Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên Trường Đại học Phú Yên
Tiếp tục chương trình, các đại biểu đã nghe TS. Văn Thị Phương Như – Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên thông qua báo cáo đề dẫn, chỉ ra các yêu cầu mới trong đào tạo nguồn nhân lực trước làn sóng phát triển khoa học - công nghệ. Theo TS. Văn Thị Phương Như, trọng tâm đổi mới hiện nay là phát triển tư duy, năng lực tự học, năng lực hợp tác và khả năng giải quyết vấn đề thông qua các phương pháp dạy học tích hợp, ứng dụng công nghệ, đồng thời chuyển từ lối học truyền thống sang những hình thức học tập linh hoạt, trải nghiệm và sáng tạo.

Báo cáo tham luận tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được 15 báo cáo khoa học chất lượng, phản ánh những xu hướng mới trong giảng dạy Toán và Khoa học Tự nhiên. Một số báo cáo nổi bật gồm:
- Ứng dụng vi phân để dựng hình động trong dạy học Vật lý – TS. Trần Xuân Hồi: Sử dụng mô hình toán học động giúp học sinh hình dung trực quan các hiện tượng vật lý, nâng cao hiệu quả học tập.
- Sử dụng công cụ biến hình trong Geogebra để hỗ trợ tìm lời giải một số bài toán quỹ tích – ThS. Huỳnh Minh Giảng.
- Sử dụng phần mềm hỗ trợ thiết kế trò chơi khởi động trong dạy học môn Khoa học Tự nhiên – ThS. Nguyễn Khánh Hy: Tạo hứng thú cho học sinh và thúc đẩy tương tác lớp học qua trò chơi công nghệ.
- Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp đào tạo giáo viên Khoa học Tự nhiên tại Việt Nam, góc nhìn từ Phú Yên – ThS. Tôn Nữ Cẩm Hường: Phân tích sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước tiên tiến như Singapore, Phần Lan, từ đó đề xuất cải cách đào tạo sư phạm.
- Đề xuất quy trình dạy học Toán ở tiểu học thông qua trải nghiệm – ThS. Đào Thị Kim Chi.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo
Qua các tham luận và phần thảo luận sôi nổi tại hội thảo cho thấy một sự đồng thuận cao về nhu cầu cấp thiết trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là các giải pháp thực tiễn có thể triển khai ngay trong môi trường phổ thông và đại học. Nhiều mô hình giảng dạy mới, các công cụ công nghệ như GeoGebra, AI, ChatGPT, Deepseek… đã được trình bày cụ thể, kèm ví dụ thực nghiệm.
Không chỉ là sự kiện học thuật, hội thảo còn tạo cơ hội cho giảng viên trẻ và sinh viên thể hiện năng lực nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao ý thức học tập suốt đời và khả năng hội nhập nghề nghiệp.
Hội thảo khép lại trong không khí lạc quan và kỳ vọng lớn. Với tinh thần cầu thị và khát vọng đổi mới, Trường Đại học Phú Yên cam kết sẽ tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành giáo dục Việt Nam trong thời đại số. Khoa Khoa học Tự nhiên – đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo, tiếp tục thể hiện rõ năng lực chuyên môn, sự nhạy bén trong tiếp cận công nghệ mới và vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục.










P.CTHSSV tổng hợp.