Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia tư vấn tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 do Báo Tuổi trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn và Trường đại học Phú Yên vừa phối hợp tổ chức.
Chuyên gia tuyển sinh Trường đại học Tài chính - Marketing tư vấn cho học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường - Ảnh: MẠNH THÚY
Chọn bậc học phù hợp với năng lực, sở thích
Sắp đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng nhiều học sinh vẫn còn băn khoăn trong việc chọn trường, chọn ngành. Trao đổi về điều này, ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: Thực tế nhiều năm nay cho thấy, không ít học sinh sau khi học xong THPT thường chọn ngành, chọn trường theo tâm lý đám đông, nhóm này nhóm kia, thích trường này trường kia…, chưa quan tâm đến việc xem lựa chọn đó có phù hợp với năng lực của mình hay không.
Đây là điều rất không nên. Các em cần lắng nghe người khác và chính mình, suy nghĩ thật kỹ, tìm hiểu thật kỹ để chọn đúng ngành nghề, đúng trường và đặc biệt là chọn đúng bậc học phù hợp với năng lực và đam mê của mình.
Theo ông Giang, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay đào tạo hơn 600 ngành cao đẳng và 700 ngành trung cấp. Thời gian đào tạo trung cấp từ 1-2 năm và cao đẳng 2-3 năm. Chi phí học tập thấp hơn và cơ hội việc làm cũng nhiều hơn do chương trình đào tạo chú trọng trang bị kỹ năng thực hành cho người học. Vì vậy, tùy vào năng lực học tập của bản thân, các em không nên bỏ qua “cánh cửa” này.
Cũng liên quan đến việc chọn ngành, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Đối với học sinh lớp 12, chọn ngành, nghề là một trong những quyết định có ảnh hưởng lớn đến tương lai. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các em thường mắc một số sai lầm và không biết làm thế nào để đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Chọn đúng ngành và học đúng nghề là khi các em có thể dung hòa được giữa hai yếu tố, nhu cầu xã hội và sở thích cá nhân. Học ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội sẽ đảm bảo các em có một công việc ổn định sau khi ra trường. Và làm một công việc mà bản thân có niềm đam mê, yêu thích sẽ giúp các em vượt qua những khó khăn, áp lực và dễ dàng đạt được thành công trong nghề.
Bất kỳ trường nào đào tạo sinh viên đều hướng đến việc tạo điều kiện cho các em tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp, cụ thể thông qua kết nối doanh nghiệp. Tuy nhiên, các trường không thể đảm bảo 100% việc làm cho sinh viên vì điều này còn phụ thuộc năng lực học tập của chính các em. Để có kết quả tốt, trước tiên các em phải chọn ngành, nghề phù hợp.
“Việc chọn ngành, nghề theo trào lưu, tâm lý số đông sẽ gây khó khăn cho các em trong quá trình học tập. Ngược lại, có những sinh viên chọn được đúng ngành, nghề, có động lực học tập tốt, sẽ dễ nắm được việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc ngay sau khi tốt nghiệp”, một chuyên gia tư vấn nhấn mạnh.
|
Học sinh nên lựa chọn thật kỹ ngành, nghề trước khi đăng ký xét tuyển - Ảnh: MẠNH THÚY |
Sắp xếp nguyện vọng ưu tiên từ cao xuống thấp
Học sinh Nguyễn Lê Minh Phương, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa) đặt câu hỏi: “Nếu được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển thì chúng em nên điền như thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất đối với ngành mà mình yêu thích?”.
PGS-TS Nguyễn Đình Tuyên, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) hướng dẫn: Khi đăng ký xét tuyển, các em cần ưu tiên đặt nguyện vọng yêu thích và là thế mạnh lên trên cùng, sau đó giảm mức độ ưu tiên dần xuống dưới. Việc xét tuyển cũng dựa trên trình tự ưu tiên này, do đó, thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích hoặc ngành gần nhóm đó nhất.
Còn PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ: “Khi đăng ký, các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Bên cạnh đó, các em cần cân nhắc rất kỹ khi đăng ký thứ tự ưu tiên các nguyện vọng vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Nếu thí sinh trúng tuyển không nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản chính, các trường sẽ coi như thí sinh từ chối nhập học và hủy kết quả. Do vậy, các em cần căn cứ ngành yêu thích nhất, tổ hợp phù hợp nhất, có khả năng đạt mức điểm cao nhất đặt theo mức độ ưu tiên từ trên xuống dưới để tăng cơ hội trúng tuyển”.
Tại chương trình tư vấn, có một thông tin mà các học sinh Phú Yên cần phải lưu ý được TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhắc nhở, đó là điểm bình quân ba môn Toán, Vật lý, Hóa học trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của học sinh Phú Yên dưới 5 điểm. Chỉ có ba môn Ngữ văn, Địa lý và Giáo dục công dân là đạt trên 5 điểm. Đặc biệt hai môn Ngoại ngữ và Lịch sử điểm bình quân của học sinh trong tỉnh năm 2018 rất thấp. Do đó, năm nay khi lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển, các em không được chủ quan với hai môn này.
Tổ hợp xét tuyển phải phù hợp kiến thức ngành
Hiện nay, sinh viên ra trường có tỉ lệ thất nghiệp cao, một phần nguyên nhân là do công tác định hướng nghề nghiệp chưa thực sự phù hợp, hiệu quả. Với tâm lý phải vào đại học bằng mọi cách, nhiều bạn trẻ chấp nhận học ngành học không phù hợp với mình. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sinh viên bỏ học nhiều trong những năm gần đây. Nhiều sinh viên ra trường không muốn làm hoặc không thể làm ngành mình đã học.
Để góp phần khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản về việc rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng, trung cấp sư phạm hệ chính quy năm 2019. Theo đó, bộ yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ trước khi thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Đồng thời, các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án.
Cụ thể, trong thời gian 10 ngày kể từ khi quy chế tuyển sinh 2019 ban hành, các trường phải gửi đề án về bộ. Đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản về trường, ngành; quy định điều kiện đăng ký xét tuyển; quy định rõ việc có sử dụng hay không kết quả miễn thi môn ngoại ngữ, điểm thi được bảo lưu… Lưu ý, việc xác định tổ hợp xét tuyển từng ngành phải phù hợp với khối kiến thức của ngành đào tạo và đảm bảo quy định hiện hành.
Theo chia sẻ của các thầy cô cũng như những người đi trước có nhiều kinh nghiệm, căn cứ vào đề án tuyển sinh của mỗi trường, các em hãy dành thật nhiều thời gian để tìm hiểu, tham khảo ý kiến của mọi người về những ngành nghề có thể thiếu lao động trong thời gian sắp tới. Việc này sẽ giúp các em không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp và có nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi ra trường.
Tại Phú Yên, theo nhu cầu nguồn nhân lực và sự phát triển của nền kinh tế hiện tại có thể dự đoán rằng trong tương lai, những ngành nghề liên quan đến du lịch, dịch vụ như quản trị nhà hàng - khách sạn, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ… sẽ có nhu cầu việc làm vô cùng lớn.
Chia sẻ với học sinh quan tâm về điều này, TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết hiện ngành du lịch đang phát triển mạnh ở Phú Yên nên nhà trường chú trọng đào tạo ba ngành: Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin và Văn hóa du lịch. “Nếu đây là những công việc yêu thích thì các em nên chọn theo học các ngành này tại trường chắc chắn các em sẽ có cơ hội việc làm tốt tại các đơn vị, doanh nghiệp ở tỉnh nhà”, thầy Lăng khẳng định.
Theo Phú Yên Online.