Ngày 01/12/2022, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Phú Yên phối hợp Trường Đại học Phú Yên tổ chức Lễ Mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2022.
Văn nghệ tại lễ mít ting
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”, việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa:
Thứ nhất, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi, 2 năm trở lại đây số ca nhiễm mới đang tăng, mỗi năm có tới hơn 13 nghìn ca. Đáng lưu ý dịch tăng chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ. 50% số ca nhiễm HIV phát hiện mới là những người dưới 29 tuổi. Con đường lây truyền chính là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 74,6% chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ. Do vậy không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của Thanh niên.
Thứ hai, về kiến thức và thái độ phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên: theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
Thứ ba, cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 01 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai...Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Tại Lễ Mít tinh, được sự ủy quyển của UBND tỉnh Phú Yên, đồng chí Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên phát biểu; Dịch bệnh AIDS tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp và ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Đặc biệt, các dịch bệnh mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm đối tượng này. Đồng thời đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày càng trở nên khó kiểm soát và nguy cơ quay trở lại còn cao.
Bs.CK2 Huỳnh Lê Xuân Bích, PGĐ Sở Y tế Phú Yên phát biểu tại buổi Lễ
Ở Phú Yên, số người nhiễm HIV/AIDS đang ở giai đoạn tập trung trong nhóm người có nguy cơ cao (nhóm có quan hệ tình dục không an toàn). Dịch HIV/AIDS đã có mặt ở 9/9 huyện thị xã, thành phố. Tính đến ngày 31/10/2022, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV là 915 trường hợp, số bệnh nhân AIDS là 315và 215 trường hợp tử vong do AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng là 0,09%. Theo thống kê thì đối tượng nhiễm HIV mới được ghi nhận nhiều nhất là ở nhóm tuổi từ 16 đến 49 tuổi. Đường lây chủ yếu hiện là đường tình dục, đặc biệt đáng lo ngại là quan hệ tình dục đồng giới nam với nam.
Trong những năm qua, các ngành, các cấp, các đoàn thể của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Các hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, góp phần định hướng cho mọi người thực hiện đúng những quy định của pháp luật về phòng chống HIV/AIDS. Chúng ta đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV; ngành y tế tăng cường triển khai tư vấn, cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho các đối tượng nguy cơ cao. Phòng khám ARV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoạt động đều đặn hàng ngày, bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, thực hiện đúng phác đồ điều trị do Bộ Y tế quy định, tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị rất thấp…
Tuy nhiên, hoạt động phòng chống HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do vẫn còn bệnh nhân HIV/AIDS mặc cảm, sợ lộ thông tin trên hệ thống bảo hiểm, bỏ trị giữa chừng hoặc chần chừ chưa tiếp cận điều trị điều trị thuốc kháng vi rút; Phụ nữ mang thai không chủ động tự nguyện xét nghiệm HIV, chỉ xét nghiệm HIV chủ yếu trong lúc chuyển dạ nên còn ảnh hưởng đến việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhóm đối tượng nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV còn thấp nhất là nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới không bọc lộ thông tin nên rất khó tiếp cận, chỉ khi họ có sự cố về sức khỏe mới tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Thông điệp tuyên truyền P/C HIV/AIDS tại Lễ Mít tinh
Để hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV; giúp cho người nhiễm HIV tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, điều trị Methadone, ARV một cách liên tục tiếp tục, hiệu quả; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền trong đoàn viên thanh niên và người dân về phòng chống HIV/AIDS, hướng dẫn và vận động người dân xây dựng lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn, không tiêm chích ma tuý; Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, cần chủ động tự nguyện xét nghiệm HIV; thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm; Điều trị thuốc kháng vi rút ngay khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính, giúp người nhiễm giảm mặc cảm bản thân, sống hoà nhập cộng đồng. Ngành y tế tiếp tục kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS; tăng cường các dịch vụ, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị; các gia đình, các tổ chức xã hội tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV, chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Những người nhiễm HIV/AIDS cần tự mình vươn lên, dũng cảm vượt qua các trở ngại để trở thành người có ích cho xã hội, phòng tránh lây nhiễm HIV cho người khác.
Đoàn viên, thanh niên Hưởng ứng Ngày thế giới P/C HIV/AIDS
Cũng tại buổi lễ, đồng chí Võ Duy Kha, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên đã phát biểu, kêu gọi toàn thể đoàn viên, thanh niên cùng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2022. Với thông điệp “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” đoàn viên, thanh niên cùng nhau hành động để tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Điều đó không chỉ bảo vệ sức khỏe cho chính thanh niên, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội.
Đồng chí Võ Duy Kha, Phó Bí thư Tỉnh đoàn phát biểu kêu gọi thanh niên Hưởng ứng tháng hành động và Ngày thế giới P/C HIV/AIDS 1/12
Đồng chí Võ Thị Minh Duyên, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phú Yên, đơn vị phối hợp tổ chức Lễ Mít tinh cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên, giảng viên và sinh viên của trường cùng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2022, và cùng nhau hành động để chung sống an toàn với đại dịch HIV/AIDS.
Kết thúc Lễ Mít tinh, 40 đoàn viên thanh niên của Trường Đại học Phú Yên tham gia diễu hành, truyền thông lưu động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trên các tuyến đường của thành phố Tuy Hòa.
Đoàn viên, thanh niên tham gia diễu hành truyền thông P/C HIV/AIDS
Toàn cảnh Lễ Mít tinh
Quốc Tạ - CDC Phú Yên