Đó là lời khuyên của ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh trong một hội thảo tổ chức tại TP Tuy Hòa.
Các thí sinh tìm hiểu mô phỏng về ngành nghề tại một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được tổ chức ở TP Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH
Dịp này, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ông xoay quanh xu hướng nghề nghiệp và một số vấn đề về nguồn nhân lực trong thời gian tới.
* Thưa ông, ông có thể đưa ra những dự báo về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2035?
- Theo dự báo, thị trường lao động trong giai đoạn tới sẽ thay đổi chất lượng cơ cấu ngành nghề. Sự kết hợp, lồng ghép sẽ hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp phù hợp với công nghệ số.
Nhu cầu nhân lực sẽ tập trung vào một số nhóm ngành: Công nghệ thông tin, sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin; kinh tế - thương mại, quản trị kinh doanh - thương mại điện tử, marketing - digital marketing, logistics, quản trị nhân lực, quản trị doanh nghiệp; công nghệ kỹ thuật cơ khí (cơ điện tử, chế tạo máy, nhiệt, công nghệ kỹ thuật ô tô - tàu thủy), tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ hàn, công nghệ dệt - sợi - may, da giày, quản lý công nghiệp; du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí... Trong đó, ngành logistics sẽ phát triển mạnh, trở thành một ngành dịch vụ quan trọng trong giao thương quốc tế.
|
Ông Trần Anh Tuấn |
* Để phù hợp với thị trường lao động phát triển theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập, đội ngũ nhân lực trong tương lai cần có những điều kiện cần và đủ như thế nào, thưa ông?
- Công nghệ 4.0 đã thay đổi cả ba chiều: sâu, rộng và nhanh của nghề nghiệp; tạo ra sự bất định trong nghề nghiệp. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với công tác hướng nghiệp và giới thiệu việc làm. Khoảng 75% lao động ở Việt Nam sẽ bị tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhân tố khoa học - công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, khiến nhà tuyển dụng đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như: hợp tác, đánh giá, quản lý, sáng tạo, ra quyết định… Do đó, những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, kỹ năng học hỏi tích cực sẽ trở thành một yêu cầu cần thiết của mỗi người lao động.
Để có thể đáp ứng với xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, điều đầu tiên người lao động phải có là năng lực nghề nghiệp. Thứ hai là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hài hòa áp lực công việc; có kỷ luật, đạo đức và trách nhiệm lao động. Một kỹ năng không thể thiếu nữa chính là hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ, sử dụng tốt ngoại ngữ và đặc biệt là phải hiểu biết cụ thể về thị trường và pháp luật lao động.
* Học sinh cuối cấp đang đứng trước nhiều cánh cửa chọn ngành, chọn nghề, vậy ông có lời khuyên nào dành cho các em?
- Từ trước đến nay, hệ thống giáo dục và đào tạo Việt Nam có hệ thống đại học và hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, một thực trạng đang tồn tại từ rất lâu là đa số phụ huynh và học sinh vẫn coi nặng vấn đề phải vào bằng được các trường đại học. Điều này góp phần tạo nghịch lý cho thị trường lao động Việt Nam là thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở các ngành cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Điều này tạo ra thách thức không nhỏ trong công tác hướng nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm của người lao động. Vì vậy, câu hỏi quen thuộc là: Học văn hóa hay học nghề, cần được thay thế bằng cụm từ “chọn hướng đi phù hợp của mỗi người” dựa trên năng lực, sở trường và hoài bão của bản thân. Chúng ta không thể nói học văn hóa sẽ thành công hay học nghề sẽ thành công.
Đứng trên quan điểm của nguồn nhân lực, không có ngành nghề nào là hot mà chỉ có con người hot trên mỗi ngành nghề đó. Bối cảnh hiện nay và dự báo thời gian tới, bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, bảo đảm kiến thức chuyên môn và kỹ năng mới là yếu tố chính đưa người lao động đến thành công. Cơ hội việc làm, lương cao còn phụ thuộc vào khả năng của chính mình. Chọn ngành hot nhưng làm không tốt thì lương cũng không cao được.
Khi lựa chọn nghề nghiệp, các em phải chú ý lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực bản thân. Chọn đúng nghề mà mình yêu thích sẽ tạo niềm say mê, thậm chí đam mê với công việc; từ đó kích thích khả năng làm việc sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
* Xin cảm ơn ông!
Đứng trên quan điểm của nguồn nhân lực, không có ngành nghề nào là hot mà chỉ có con người hot trên mỗi ngành nghề đó. Khi lựa chọn nghề nghiệp, các em phải chú ý lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực bản thân. Chọn đúng nghề mà mình yêu thích sẽ tạo niềm say mê, thậm chí đam mê với công việc; từ đó kích thích khả năng làm việc sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. |
Theo Báo Phú Yên online