Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và trách nhiệm của mình, các giảng viên Trường đại học Phú Yên và Trường đại học Đà Lạt đã dành rất nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu khoa học để bảo tồn cây cam thảo Đá Bia (CTĐB) - một loài cây dược liệu quý trong sách Đỏ Việt Nam và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
|
ThS Nguyễn Trần Vũ và ThS Đào Lệ Tuyền kiểm tra cây cam thảo Đá Bia đang trồng thực nghiệm ở xã An Xuân (huyện Tuy An). Ảnh: LỆ VĂN |
Loài cây quý trước nguy cơ tuyệt chủng
Năm 1981, một nhóm điều tra dược liệu gồm Nguyễn Tập, Phan Phúc Thích và Nguyễn Văn Toàn (Hà Nội) phát hiện ở vùng rừng núi Đá Bia, xã Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa) một loài khác cùng chi với thiên lý mà Nhân dân địa phương sử dụng rễ của nó làm thuốc thay cam thảo bắc nên đã đặt tên là CTĐB.
Thân cây CTĐB dạng dây leo, có thể dài tới 10m, ít phân cành. Vỏ thân màu trắng xám, rễ có vị ngọt. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hoa có cuống ngắn. Mùa hoa trái ra từ tháng 4-7, những cây không bị chặt phá thì có khả năng ra hoa hàng năm. Số hoa nhiều nhưng tỉ lệ hạt nảy mầm rất thấp. Cây mọc chồi vào đầu mùa mưa và thường mọc ở rừng kín xanh ẩm, trên núi đất có nhiều đá, độ cao khoảng 500m. Cây ưa ẩm, chịu bóng và ưa sáng. Tại Việt Nam, cây CTĐB mới chỉ phát hiện ở Phú Yên và Lạng Sơn. Còn trên thế giới, loài này được tìm thấy ở Trung Quốc và Philippines. CTĐB là nguồn gen quý hiếm. Rễ được dùng thay cam thảo bắc, làm thuốc ho rất tốt. Từ lâu người dân địa phương đã biết dùng làm cây thuốc, thậm chí có những cây còn nhỏ cũng bị đào lấy rễ nên CTĐB rất cần được bảo tồn.
Theo lời các cụ cao niên ở làng Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam), trước đây CTĐB mọc rất nhiều, được dân trong vùng xem như thần dược chữa bệnh nhức đầu lâu năm. Các loại vết thương sưng tấy, ghẻ lở thì dùng nước nấu, rửa qua vài lần là khỏi. Hoa CTĐB cũng là món khoái khẩu của người dân Hảo Sơn. Người ta tin rằng vị thuốc quý này cũng giúp nhanh hạ đường huyết và trị bệnh tiểu đường. Chính sự đa năng ấy mà cây CTĐB bị khai thác triệt để, ngày nay rất hiếm khi tìm thấy… Đến năm 2007, cây CTĐB được ghi trong sách Đỏ Việt Nam với cấp đánh giá: đang nguy cấp.
Năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 528 về việc phê duyệt đề án khung Các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020. Trong đó, CTĐB là một trong ba loài dược liệu được đánh giá là nguồn gen quý hiếm đang ở mức nguy cấp, cần được lưu giữ, phục tráng và bảo tồn. Vì vậy, xây dựng quy trình nhân giống và sản xuất số lượng lớn cây giống CTĐB nhằm khôi phục cũng như tạo nguồn cây giống ổn định cho công tác trồng và sản xuất dược liệu là một trong những hướng đi cần thiết nhằm bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý này.
Bảo tồn cho mai sau
Đầu năm 2018, ThS Nguyễn Trần Vũ, giảng viên Trường đại học Phú Yên, được lãnh đạo Sở KH-CN Phú Yên đặt hàng nhiệm vụ bảo tồn cây CTĐB hiện đang nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng.
|
ThS Nguyễn Trần Vũ và cộng sự kiểm tra cây cam thảo Đá Bia đang trồng thực nghiệm ở vườn ươm. Ảnh: LỆ VĂN |
ThS Vũ kể: “Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi vừa mừng, nhưng cũng vừa lo. Nhóm lập tức vác ba lô lên rừng đi tìm CTĐB để nghiên cứu bảo tồn, phát triển loài dược liệu này. Chúng tôi phải thuê hàng chục lao động địa phương rải ra tìm kiếm khắp các khu vực rừng Đá Bia, Đèo Cả. Sau gần 3 tháng, chúng tôi mới biết được những vị trí mà loài cây này còn tồn tại trên núi Đá Bia”.
Sau khi phát hiện được vài cá thể CTĐB, anh Vũ cùng các cộng sự ở Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (Trường đại học Đà Lạt) phối hợp với Ban quản lý Rừng đặc dụng Đèo Cả tiến hành đăng ký đề tài “Nghiên cứu quy trình nhân giống invitro (phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trong ống nghiệm) và đề xuất giải pháp bảo tồn cây CTĐB” với tổng kinh phí hơn 670 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Đề tài được UBND tỉnh phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện từ tháng 10/2018-10/2021 và được gia hạn cho đến nay.
Chúng tôi vừa tiến hành trồng thử nghiệm 500 cây CTĐB trên diện tích 1ha ở rừng đặc dụng Đèo Cả. Lúc đầu khi mới đưa cây giống xuống trồng thì bị một số côn trùng cắn đọt và thân cây nên một số cây bị yếu. Tuy nhiên, nhờ theo dõi và chăm sóc kịp thời, hiện cây CTĐB sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, chúng tôi thành lập tổ bảo vệ để tuần tra, khoanh vùng không cho người dân tác động đến khu vực rừng trồng CTĐB.
Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả
|
Sau khi phê duyệt, ThS Nguyễn Trần Vũ và các cộng sự tập trung điều tra, khảo sát định danh bằng phương pháp hình thái để đánh giá lại chính xác loài CTĐB, cũng như xây dựng được quy trình nhân giống invitro cây CTĐB. Song song đó, nhóm tiến hành trồng thử nghiệm cây CTĐB phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn tỉnh Phú Yên; định tính và định lượng các nhóm hoạt chất chính trong cây CTĐB được nuôi cấy invitro và so sánh với cây tự nhiên; đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển cây CTĐB…
Theo anh Vũ, tính mới của đề tài này là những nghiên cứu về nhân giống invitro CTĐB tại Việt Nam và trên thế giới chưa có. Trong nghiên cứu này, nhóm đã điều tra khu phân bổ đặc điểm hình thái và bước đầu nhân giống thành công cây CTĐB, mở ra triển vọng mới cho công tác bảo tồn và nhân giống cây dược liệu quý này.
Anh Vũ phân tích: “CTĐB đang có nguy cơ tuyệt chủng nên số lượng phân bổ ngoài tự nhiên rất ít. Khi nhóm nghiên cứu đi tìm chỉ phát hiện được còn gần 20 cá thể phân bổ ngoài tự nhiên; lúc này CTĐB chỉ có hoa chưa có trái và hạt nên không thể nhân giống bằng phương pháp gieo hạt và phương pháp giâm hom. Vì thế, nhóm quyết định áp dụng phương pháp nuôi cấy mô, là cách làm an toàn và hiệu quả nhất lúc này, đồng thời giải bài toán bảo vệ những cây CTĐB hiện có ngoài tự nhiên. Mặt khác, phương pháp nhân giống invitro sẽ tạo được cây giống có số lượng lớn phục vụ sản xuất và bảo tồn nhanh”.
ThS Đào Lệ Tuyền (Trường đại học Phú Yên), thành viên nhóm thực hiện đề tài, chia sẻ: “Ban đầu nhóm nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn khi di thực được 8 cây về vườn để chăm sóc, lấy mẫu nuôi cấy mô. Lần đầu, toàn bộ mẫu cấy mô bị hư hỏng sau nhiều tháng trời nuôi cấy. Nhóm phải quay lại rừng để lấy mẫu, tiếp tục nghiên cứu rồi nhân giống thành công. Hiện nay, nhóm đã trồng thử nghiệm 1.000 cây ngoài thực địa và 5.000 cây trong vườn ươm. Đồng thời tiếp tục nhân giống và tiến hành ươm tạo 40.000-50.000 cây, có thể chuyển giao cho người dân trồng CTĐB nhiều nơi trên địa bàn tỉnh”.
Đề tài nghiên cứu về cây CTĐB mà nhóm của anh Nguyễn Trần Vũ thực hiện đã tập trung bảo tồn nhân giống, trồng thực nghiệm… bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan. Nghiên cứu này còn mở ra hướng phát triển sinh kế mới cho người dân trong việc bảo vệ và phát triển bền vững rừng.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên |
Theo Báo Phú Yên online