Trường đại học Phú Yên vừa phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia Kế thừa và phát huy tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh tăng cường thế và lực của đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập.
Các báo cáo tại hội thảo là những nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm sáng tỏ thêm quá trình hoạt động và những cống hiến của Người trên lĩnh vực tư tưởng chính trị. Đồng thời khẳng định tầm vóc và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực chính trị gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam và những vấn đề lớn của thời đại. Báo Phú Yên lược ghi những nghiên cứu thiết thực xung quanh nội dung này.
GS-TS VÕ VĂN SEN, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG: Tiếp tục làm rõ hơn giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh
|
Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam, với hàng loạt vấn đề nổi bật như phương pháp đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng tiến hành giải phóng dân tộc, chế độ chính trị được xây dựng sau khi giành được độc lập, từng bước giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ của thời đại, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, của đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân. Những đóng góp của Người về tư tưởng chính trị đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu ở trong nước có liên quan đến tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh chủ yếu tiếp cận dưới góc độ giải phóng dân tộc với các nhân tố xây dựng Đảng, Nhà nước; xây dựng và phát triển tổ chức lực lượng cách mạng; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh cách mạng. Như vậy, với cách tiếp cận truyền thống, nhiều giá trị trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh vẫn chưa được làm rõ.
“Kế thừa và phát huy tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh tăng cường thế và lực của đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập” muốn tiếp tục làm rõ hơn giá trị tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh ở cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm”, chẳng những góp phần khẳng định giá trị lịch sử và thời đại của những cống hiến của Người trên lĩnh vực chính trị học, mà còn trực tiếp phục vụ cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ ở tầm chiến lược cho đất nước.
GS-TS MẠCH QUANG THẮNG, HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH: Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước
Đó là quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh. Quan điểm này được Hồ Chí Minh rút ra qua quá trình hoạt động cách mạng của mình và đã được thực tế lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm. Trong thời kỳ hiện nay của chặng đường phát triển, Việt Nam đang tiếp tục phát huy sức mạnh của nó. Mở rộng tối đa các mối quan hệ quốc tế. Quảng giao để phát triển - đó cũng là một triết lý phát triển của Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề của mỗi con người và cũng chính của từng cộng đồng, của từng quốc gia, dân tộc. Và chính đây là bản chất của vấn đề chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh đã theo đuổi trong suốt cuộc đời làm một chiến sĩ cộng sản của mình.
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia sẽ bị hạn chế kết quả nếu Việt Nam không đưa sức mạnh của dân tộc kết hợp sức mạnh quốc tế. Từ bề sâu của bản chất vấn đề mà nhìn thì trong chủ nghĩa dân tôc chân chính đã có những điều kiện và những cơ duyên cho sự hợp tác quốc tế. Đó cũng là cách nhìn từ lâu của Hồ Chí Minh. Do vậy, Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần dân tộc chân chính và là con người của quốc tế, của tình hữu ái bao la. Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc và quốc tế chính là vì thế.
PGS-TS NGUYỄN HỮU ĐỔNG, VIỆN CHÍNH TRỊ HỌC, HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH: Hồ Chí Minh luôn dựa vào nguyên tắc của sự thật
Trong quá trình hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, tiến bộ vì mục tiêu “Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, Hồ Chí Minh đã luôn dựa vào nguyên tắc của sự thật. Trong thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 1945, Người đã yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ công nhận nền độc lập hoàn toàn, tôn trọng sự thực và công lý, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng xã hội mới tiến bộ vì độc lập, tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên, kể từ khi Đảng ta lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng kim chỉ nam cho việc xây dựng, thực hiện các đường lối, chính sách phát triển đất nước, vẫn còn thiếu vắng các công trình nghiên cứu về vấn đề đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa này.
Sự thật có bản chất gì, được Hồ Chí Minh nhận thức, vận dụng như thế nào trong hoạt động chính trị của mình vào những năm kháng chiến và kiến quốc; sự thật về đường lối, chính sách của Đảng đang còn những hạn chế gì về lý luận, thực tiễn trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập phát triển đất nước hiện nay? Đây là những nội dung cơ bản mà tôi đã đề cập trong bài viết Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thật và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời bằng tư duy nhận thức của mình, tôi còn nêu rõ ý nghĩa của việc nhận thức sự thật đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập, đặc biệt trong việc kiến tạo quốc gia khởi nghiệp, phát triển bền vững ở Việt Nam.
PGS-TS HÀ MINH HỒNG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN (ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH): Chủ nghĩa yêu nước - nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh
Có một thời người ta đối lập người cộng sản chân chính với người yêu nước chân chính, đối lập chủ nghĩa cộng sản quốc tế với chủ nghĩa dân tộc quốc gia. Trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc, khi mà ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột hết sức thậm tệ, ở đâu bọn thực dân cá mập cũng đều tàn bạo như nhau và chúng là kẻ thù chung của các dân tộc bị áp bức, thì phải chăng người yêu nước muốn cứu nước phải tìm đến với chủ nghĩa cộng sản, và người cộng sản chỉ trở thành người cộng sản chân chính khi lấy giải phóng dân tộc làm sự nghiệp của mình. Mối quan hệ dân tộc - giai cấp, quốc gia chân chính - quốc tế vô sản ở đây hòa quyện làm một; tất cả cũng từ “bảo bối” chủ nghĩa yêu nước được vận dụng và sự xử lý thiên tài của nhà ái quốc Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa yêu nước truyền thống là nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh; trên nền tảng và cội nguồn chủ nghĩa yêu nước chân chính ấy, Người không chỉ giải quyết thấu đáo yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của lịch sử dân tộc mà còn mở ra cho dân tộc và cách mạng Việt Nam cả một lộ trình dài từ giải phóng dân tộc đến kháng chiến kiến quốc, từ kiến thiết nền độc lập tự do đến xây dựng xã hội mới phát triển và hội nhập.
PGS-TS, GIẢNG VIÊN CAO CẤP PHẠM NGỌC TRÂM, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN (ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH): Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và lấy dân làm gốc
Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị có sự kế thừa những giá trị tiêu biểu trong tư tưởng chính trị truyền thống Việt Nam, văn minh nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lênin. Những quan điểm xây dựng hệ thống chính trị trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh được thể hiện qua hoạt động, xây dựng một trật tự xã hội và chính trị hợp lý; phát huy các quyền tự do dân chủ của nhân dân, bước đầu xác lập tính chất của một xã hội dân chủ, đề cao lợi ích người dân theo mô hình dân chủ cộng hòa. Trong đó tư tưởng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và lấy dân làm gốc, quản lý nhà nước bằng pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống là những tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Từ năm 1991 đến nay, nhờ lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng (cùng chủ nghĩa Mác - Lênin), hệ thống chính trị Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị thành một nền chính trị yêu nước, lấy dân làm gốc, đề cao chính nghĩa, khoan dung, hòa hợp, hợp tác, phát triển. Thực tế ấy một lần nữa khẳng định tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị Việt Nam có giá trị to lớn trong việc thúc đẩy con đường đổi mới và phát triển của đất nước; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; loại bỏ những tư duy lạc hậu, bảo thủ kìm hãm sự phát triển; phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại.
Theo Báo Phú Yên online