Nhiều năm qua, Trường đại học Phú Yên đồng hành cùng Liên minh HTX trong việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ HTX trên địa bàn tỉnh. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên xung quanh công tác này. Ông Lăng cho biết:
Trường đại học Phú Yên ngoài đào tạo hệ chính quy còn thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan, ban ngành, trong đó có cán bộ các HTX. Từ năm 2010 đến nay, Trường đại học Phú Yên phối hợp với Liên minh HTX tỉnh mở 30 lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ HTX; đã cấp chứng chỉ cho 755 người.
Qua 8 năm phối hợp, có thể thấy việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ HTX có ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Trong hoạt động thường niên của đơn vị, công tác bồi dưỡng cho cán bộ thành phần kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã trở thành kế hoạch định kỳ. Qua đó, kinh nghiệm giảng dạy của giảng viên nhà trường ngày càng được củng cố, nên nội dung bồi dưỡng cũng sát thực tế hơn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu bồi dưỡng của học viên.
|
TS Trần Lăng |
* Ông đánh giá như thế nào về chuyên môn của các cán bộ HTX tham gia lớp bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng của trường cần lưu ý những vấn đề gì?
- Cán bộ HTX tham gia các lớp bồi dưỡng chủ yếu là giám đốc, kế toán trưởng. Phần đông cán bộ HTX là người lớn tuổi, có kinh nghiệm và đang giữ các cương vị lãnh đạo trong một đơn vị kinh tế tập thể nên đã tích lũy được nền tảng chuyên môn nhất định.
Các cán bộ HTX này cần bồi dưỡng những kiến thức mới về quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với thành phần kinh tế tập thể; sự hội nhập của các HTX trong nền kinh tế thị trường cùng những quy định của pháp luật hiện hành về HTX… Việc bồi dưỡng giúp các cán bộ HTX xác định rõ vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình, đơn vị mình trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay.
Sự truyền đạt của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đã giúp cán bộ HTX tiếp cận và giải quyết vấn đề qua hệ thống tri thức lý luận một cách khoa học, logic. Vì vậy, nhà trường thiết kế các chương trình bồi dưỡng theo hướng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn.
Trong truyền tải lý thuyết, chúng tôi đề cao sự tương tác giữa học viên và giáo viên thông qua thảo luận, trình bày quan điểm cá nhân; tăng khối lượng giờ thực hành và tham quan thực tế tại các tỉnh bạn và một số HTX hoạt động tốt trong tỉnh.
Việc truyền đạt kiến thức cho cán bộ các HTX thường diễn ra trong một thời gian ngắn với khối lượng kiến thức nhiều và cần chiều sâu; vì vậy đòi hỏi giảng viên, báo cáo viên phải đảm bảo trọng tâm khi bồi dưỡng kiến thức, đi thẳng vào vấn đề học viên quan tâm, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực tế triển khai.
* Luật HTX 2012 ra đời là sự thay đổi lớn nhất cả về tư duy lẫn định hướng hoạt động cho các HTX; trước sự thay đổi này, nội dung và chương trình bồi dưỡng của nhà trường đã thích ứng như thế nào để đảm bảo sự phù hợp?
- Từ năm 2010 đến hết năm 2012, chúng tôi xây dựng nội dung đào tạo dựa trên Luật HTX 18/2003/QH12 (gọi tắt là Luật HTX 2003). Khi đó, các HTX được coi như những doanh nghiệp vừa và nhỏ, được tự do làm dịch vụ và mở rộng kinh doanh ra bên ngoài. Nhưng từ ngày 1/7/2013, Luật HTX 2012 có hiệu lực thay thế luật cũ, các HTX quay lại phục vụ cho chính nhu cầu thành viên.
Việc thay đổi quy định của luật như vậy khiến nhiều HTX hoang mang, vì họ chưa tiếp cận nhiều với nội dung luật, chưa nắm kỹ những hướng dẫn đi kèm. Các HTX đã nảy sinh những khúc mắc tự thân như luật mới bó hẹp hoạt động không cho các HTX mở rộng kinh doanh thông qua tỉ lệ cung ứng dịch vụ… Để tháo gỡ những khúc mắc này cho các HTX, trong chương trình đào tạo, nhà trường chú trọng truyền đạt bản chất nội dung Luật HTX 2012.
Cùng với đó, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên nhà trường cũng giúp học viên nắm vững những quy định mới và sự vận động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đây, các HTX hiểu rằng, vốn còn ít, khả năng cạnh tranh còn thấp thì nên tập trung phục vụ cho thành viên, cũng chính là khách hàng gắn bó với mình, để củng cố nền tảng hoạt động. Đến thời điểm đủ lớn mạnh cả về quy mô hoạt động, liên doanh liên kết lẫn tiềm năng về vốn, nhân lực thì các HTX thành lập doanh nghiệp trực thuộc để đưa hoạt động kinh doanh ra thị trường lớn.
Hiệu quả lớn nhất của sự thay đổi này chính là hỗ trợ để các HTX làm chủ được chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Vì vậy, chúng tôi sử dụng tư liệu là những mô hình HTX kiểu mới điển hình ở các tỉnh khác làm ví dụ thực tế để phân tích. Cùng với đó, chúng tôi chỉ ra tiềm năng, cơ hội ở một số HTX trên địa bàn Phú Yên khi tiến hành củng cố để xây dựng mô hình HTX kiểu mới…
Theo Phú Yên online