Ngày 9/5/2024, Trường Đại học Phú Yên đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành về hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho dự án "Khu liên hiệp Nông nghiệp Công nghệ cao Tín Thành". Tham dự buổi ký kết về phía Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành có ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành; về phía Trường Đại học Phú Yên có TS. Lê Đức Thoang - UVBTV Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng.
Hai đơn vị Ký biên bản ghi nhớ
Sau buổi làm việc trước đó giữa lãnh đạo hai đơn vị, hai bên thống nhất các nội dung hợp tác: hợp tác nghiên cứu về trồng cây Cao lương ngọt tại Phú Yên; tổ chức đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành; tiếp nhận sinh viên thực tập tại Khu liên hiệp Nông nghiệp Công nghệ cao Tín Thành tại Phú Yên; giới thiệu cơ hội việc làm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành...
Qua đây mở ra nhiều cơ hội về nghề nghiệp cho sinh viên học tại Trường Đại học Phú Yên và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tập đoàn Tín Thành là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với hơn 30 nhà máy cung cấp điện, hơi công nghiệp cho các đối tác lớn, có uy tín tại Việt Nam và hiện đang tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp khép kín theo dạng công, nông nghiệp chuỗi giá trị gia tăng.
Hơn 5 năm qua, Tập đoàn Tín Thành đã du nhập và thuần hóa hơn 50 loại giống cao lương về Việt Nam từ Mỹ và Ấn Độ, trồng thử nghiệm và thực nghiệm thành công trên nhiều vùng miền, nhiều loại hình đất khác nhau tại các tỉnh: An Giang, Sóc Trăng, Long An, Tây Ninh, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, v.v.
Cụ thể, cây cao lương ngọt (Sweet sorghum) và cao lương sinh khối (Biomass sorghum) là một loại cây trồng ngắn ngày (95-115 ngày/vụ), gieo hạt 1 lần cho thu hoạch 3 vụ/năm, thích hợp vùng nhiệt đới.
Qua nhiều năm trồng thử nghiệm, thực nghiệm và thuần giống, cây cao lương cho sản lượng sinh khối rất lớn trong thời gian ngắn, là loại cây sử dụng rất hiệu quả dinh dưỡng trong đất, có thể chịu được hạn, lượng nước cần thiết để cây sinh trưởng tốt chỉ bằng 1/5 cây ngô và 1/10 so cây mía.
Hơn nữa, cây cao lương còn có lợi thế có thể tạo ra nhiều sản phẩm sau thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các bộ phận trên cây từ thân, lá, hạt… đều được sử dụng để tạo ra các sản phẩm hữu ích mang lại giá trị kinh tế cao như sản xuất dịch syrup, bioethanol nhiên liệu, alcohol thực phẩm (96% cồn), xơ bã sau khi ép lấy dịch chế biến đường lỏng (syrup) sẽ được dùng làm nhiên liệu đốt biomass cho các nhà máy nhiệt điện sinh khối.
Việc phát triển bền vững cây cao lương theo chuỗi giá trị vừa góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm giá trị từ việc chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là tạo ra một lượng sinh khối lớn để làm nhiên liệu tái tạo như viên nén sinh khối xuất khẩu hay phát điện sinh khối sạch, qua đó tăng nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, đồng thời là giải pháp hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ngành năng lượng của Việt Nam. Hơn nữa sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD dùng để nhập khẩu các sản phẩm này phục vụ cho ngành sản xuất thực phẩm trong nước.
*Một số hình ảnh về buổi làm việc tại Trường Đại học Phú Yên:
P.QLKH&HTQT tổng hợp.