Ngày 27/4/2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp tổ chuyên gia tư vấn đánh gía, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu quy trình nhân giống in vitro và đề xuất các giải pháp bảo tồn cây Cam Thảo Đá Bia (Telosma procumbens) tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên”. Đề tài do Trường Đại học Phú Yên chủ trì thực hiện, Ths Nguyễn Trần Vũ làm chủ nhiệm.
Cuộc họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài
Cam thảo Đá Bia được biết đến là loại dược liệu quý, với phạm vi phân bố hẹp, số lượng cá thể ít, bị khai thác quá mức khiến loại dược liệu này có nguy cơ bị tuyệt chủng và được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Để bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý này, năm 2018 UBND tỉnh đã phê duyệt cho phép triển khai đề tài.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Phú Yên đã phối hợp với Ban Quản lý rừng Đặc dụng Đèo Cả trực tiếp đi thực địa và tìm được 20 cá thể tại rừng Đặc dụng Đèo Cả. Nhóm nghiên cứu đã quyết định thực hiện nhân giống bảo tồn cây Cam thảo Đá Bia bằng phương pháp in vitro (hay còn gọi là nuôi cấy mô). Đây là lần đầu tiên công nghệ in vitro được sử dụng để nhân giống đối với cây Cam thảo Đá Bia.
ThS Nguyễn Trần Vũ (chủ nhiệm đề tài, bên trái) và cộng sự kiểm tra cây cam thảo Đá Bia đang trồng thực nghiệm ở xã An Xuân (huyện Tuy An)
Việc nhóm nghiên cứu Trường Đại học Phú Yên thành công trong xây dựng biện pháp kỹ thuật nhân giống in vitro cây Cam thảo Đá Bia và các kỹ thuật ươm, trồng cây Cam thảo Đá Bia phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn tỉnh và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển cây Cam thảo Đá Bia sẽ giúp loại dược liệu quý này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ sinh học trên nhiều đối tượng dược liệu khác nhau, góp phần bảo tồn các cây dược liệu quý của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung.
PYU