Từ năm học 2018-2019, Trường đại học Phú Yên đưa môn võ cổ truyền vào giảng dạy cho sinh viên của trường như môn học tự chọn ở nội dung Giáo dục thể chất. Không những mang đến không khí mới mẻ cho buổi học, môn võ truyền thống của dân tộc giúp ích cho nhiều bạn sinh viên có thể tự vệ và tìm hiểu thêm về lịch sử, các đòn thế hay của môn võ này.
Một buổi học võ cổ truyền của sinh viên Trường đại học Phú Yên - Ảnh: NHẬT HUY
Mỗi tuần 1 buổi, Lê Thị Bích Hạnh, sinh viên lớp Đại học Mầm non (C17), Trường đại học Phú Yên lại sắp xếp để tham gia lớp học võ cổ truyền tại Nhà tập Đa năng của trường. Khác với những năm học trước, cô sinh viên quê ở Tây Hòa tỏ ra hứng thú với môn học mới của nội dung Giáo dục thể chất. Nhìn những buổi tập ướt đẫm mồ hôi, nhưng đầy tiếng cười của Hạnh, những giáo viên đứng lớp cảm thấy mãn nguyện, khi thấy được hiệu quả ban đầu.
“Trước đây, tôi rất thích môn võ cổ truyền, nhưng không có điều kiện để tiếp cận. Vì thế, khi võ cổ truyền được đưa vào giảng dạy tại trường, tôi mạnh dạn đăng ký học. Trong quá trình tập luyện, có thể cảm nhận là vất vả hơn các môn học trước đây khi phải học nhiều đòn, thế, cũng như các kiến thức về môn võ này, nhưng trên tất cả, tôi tự hào rằng mình đang tập luyện môn võ đã từng cùng nhiều thế hệ cha ông đánh đuổi giặc ngoại xâm”, Hạnh chia sẻ. Đó cũng là cảm nhận chung của nhiều sinh viên đang theo học môn võ cổ truyền tại Trường đại học Phú Yên.
Theo Khoa Giáo dục thể chất - Giáo dục quốc phòng (GDTC-GDQP), Trường đại học Phú Yên, từ năm học 2018-2019, cùng với bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, thì võ cổ truyền là một trong những môn tự chọn được đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa. 2 lớp Đại học Công nghệ thông tin và Đại học Mầm non chọn môn võ cổ truyền trong hệ thống giảng dạy với gần 100 sinh viên tham gia tập luyện.
Giảng viên Nguyễn Huy Vũ (Khoa GDTC-GDQP) cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu nội dung giảng dạy sao cho vừa đảm bảo được khối lượng học phần (4 tiết lý thuyết, 26 tiết thực hành) vừa có thể trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cơ bản môn võ thuật cổ truyền Việt Nam; nắm được ý nghĩa, tác dụng của việc luyện tập các môn học này đối với cơ thể, vận dụng môn học để rèn luyện nhằm nâng cao thể lực cho cơ thể. Về cơ bản, nhiều sinh viên tỏ ra thích thú tập luyện, rèn luyện sức khỏe”.
Nỗ lực “giữ lửa” cho sinh viên
Theo ThS Nguyễn Minh Cường, Phó Trưởng phụ trách Khoa GDTC-GDQP, việc đưa môn võ cổ truyền vào nội dung học chính khóa là nỗ lực của giảng viên khoa, nhằm thực hiện đề án Tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020 có 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ bám sát các nội dung phối hợp giữa Liên đoàn Võ thuật Việt Nam và Bộ GD-ĐT để đưa ra các bài tập phù hợp với sinh viên. Ngoài ra, chúng tôi nỗ lực sáng tạo các phương pháp mới, phù hợp với hoàn cảnh của trường để tạo sự hứng khởi cho sinh viên trong quá trình giảng dạy môn võ truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, thông qua các bài tập, các giảng viên sẽ chọn ra những sinh viên có năng khiếu, từ đó bồi dưỡng thêm để các em có thể tham gia thi đấu tại các Giải Vô địch võ cổ truyền sinh viên toàn quốc hoặc Giải vô địch võ cổ truyền tỉnh Phú Yên. Tôi nghĩ những sân chơi như vậy sẽ giúp các sinh viên có thêm động lực để tập luyện và thử thách bản thân”, ông Nguyễn Minh Cường cho biết.
TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên nói: “Quan điểm của chúng tôi là làm nhiều cách để sinh viên có thế tiếp cận và tập luyện võ cổ truyền. Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, đây cũng là một trong những cách để các em hiểu thêm về giá trị lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông. Vì lẽ đó, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để võ cổ truyền ngày càng phát triển trong hệ thống giảng dạy giáo dục thể chất tại trường”.
Theo Phú Yên online.