TS TRẦN VĂN CHƯƠNG
Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên
Chúng ta đang đứng ở những thập niên đầu của thế kỷ XXI, thế kỷ của kinh tế tri thức, thời kỳ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Thật không dễ khi phải hình dung rõ ràng diện mạo và thành tích của Trường đại học Phú Yên trong 10 năm tới, đặt trong yêu cầu đổi mới giáo dục và xu hướng cạnh tranh giữa các trường đại học trong và ngoài nước hiện nay. Nhưng trách nhiệm xây dựng và phát triển nhà trường theo sứ mệnh, mục tiêu đặt ra, bắt buộc chúng ta phải nhìn lại, tổng kết, rút kinh nghiệm và bước tiếp.
Đào tạo nhân lực phục vụ chiến lược phát triển của địa phương
Điều trước tiên chúng ta có được là xây dựng một trường đại học công lập đầu tiên của tỉnh nhà. So với Trường đại học Xây dựng Miền Trung và Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, Trường đại học Phú Yên được thành lập sớm hơn, và nhiệm vụ chính của trường được xác định cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực tế là giáo dục Phú Yên đã phải đi một chặng đường dài gần 50 năm để có được một trường đại học như hôm nay. Từ trong những ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, năm 1970, tại vùng giải phóng, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên đã quyết định thành lập Trường Sư phạm Đồng bằng Phú Yên để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Trong những ngày cơm nắm, khoai sắn và súng đạn, khói lửa chiến tranh bao quanh số phận con người, khát vọng học tập, ước mơ phát triển giáo dục vẫn bùng cháy và một trường học vẫn ra đời; đó thực sự là chiến thắng lớn lao, kỳ vỹ của quê hương mình. Từ Trường Sư phạm Đồng bằng đến Trường trung cấp Sư phạm Phú Khánh; rồi từ trung cấp tiến lên thành Trường cao đẳng Sư phạm và chính thức thành Trường đại học Phú Yên vào ngày 24/1/2007 theo quyết định của Thủ tướng là một chặng đường dài phấn đấu, không phải chỉ của thầy và trò nhà trường, mà của cả lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà.
Chúng tôi đã bước tiếp truyền thống của cha anh đi trước, thực hiện điều ước nguyện của người dân Phú Yên là có một trường đại học ngay tại địa phương và con em mình có thể ăn cơm nhà đi học đại học và thậm chí có thể học cao hơn. 10 năm qua, từ cơ sở cao đẳng sư phạm và cơ sở Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật cũ, chúng ta đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang ở địa chỉ 18 Trần Phú và mở rộng ra khu đất mới thuộc mặt đường Hùng Vương (đã xây và đang xây). Từ đội ngũ giảng viên chỉ đạt trình độ thạc sĩ, hiện nay nhà trường đã có 2 phó giáo sư, 16 tiến sĩ và 91 thạc sĩ. Trường được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo 15 ngành trình độ đại học, 24 ngành trình độ cao đẳng. Trong 10 năm qua, quy mô đào tạo của trường đã tăng gấp 3 lần, từ năm 2007: 1.342 học sinh, sinh viên, đến năm 2017: 3.532 sinh viên, riêng sinh viên đại học chính quy tăng 12 lần (năm 2007: 154 sinh viên, năm 2017: 1.869 sinh viên); gần 8.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 1.700 sinh viên đại học. Cán bộ, giảng viên của nhà trường trong 10 năm qua đã chủ trì nghiên cứu 190 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 8 đề tài cấp tỉnh; đã công bố 745 bài báo khoa học, trong đó có 21 bài đăng ở tạp chí khoa học và hội thảo quốc tế.
Việc liên hệ, hợp tác với các trường học và các tổ chức quốc tế được chú trọng để đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay. Trường đã ký kết hợp tác GD-ĐT với Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ Malaysia (UTM) và đang xúc tiến hợp tác với một số trường khác trong khu vực.
Về liên kết đào tạo, trường đã tham gia đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ quản lý giáo dục, quản lý kinh tế hợp tác xã, chứng chỉ sơ cấp nghề, tin học, ngoại ngữ cho hàng ngàn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non và phổ thông, cán bộ nhân dân có nhu cầu. Liên kết đào tạo đại học vừa làm vừa học cho các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, phối hợp hỗ trợ đào tạo với các trường đại học khác đào tạo hơn 700 học viên cao học đã tốt nghiệp và đang học. Nguồn nhân lực này đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển GD-ĐT và các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà…
Ngoài nguồn lực chính là ngân sách của địa phương cấp, trong nhiều năm qua, trường còn được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ học bổng cho sinh viên. Trong tổng thu hơn 1 tỉ đồng mà trường nhận được, có khoảng 60% là từ tổ chức Hội Hữu nghị Việt - Hàn và của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc); số còn lại là do các doanh nghiệp trong tỉnh, cán bộ viên chức nhà trường đóng góp. Nhiều sinh viên của trường nhờ nhận được các học bổng này đã vượt khó vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ học tập. Nhà trường rất biết ơn và ghi nhận sự ủng hộ, tài trợ của tất cả các tổ chức và cá nhân quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT của nhà trường cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tuy là trường đại học có quy mô đào tạo nhỏ, nhưng vì chất lượng và hiệu quả đào tạo, trường đã thực hiện liên kết với nhiều trường đại học lớn trong nước và thường xuyên mời giảng viên có trình độ cao tham gia giảng dạy. Đây cũng là điều kiện để đội ngũ giảng viên của trường vươn lên, hoàn thiện năng lực chuyên môn.
Sinh viên Trường đại học Phú Yên thực hành hóa học - Ảnh: THÚY HẰNG |
|
Phấn đấu trở thành một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy
Căn cứ vào kết quả đạt được, nhằm khẳng định vị thế của nhà trường, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo chỉ đạo Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XI, Chương trình hành động của Tỉnh ủy (số 21-CTr/TU 28/3/2014); Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục, Trường đại học Phú Yên tập trung phấn đấu hướng đến các mục tiêu cụ thể sau:
Thứ nhất, phát triển một số ngành đào tạo đại học và cao đẳng mới, ưu tiên cho kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển và văn hóa du lịch để đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 mở được mã ngành đào tạo cao học. Bên cạnh việc giữ quy mô đào tạo 4.000-5.000 sinh viên, cần duy trì đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học, đào tạo đại học văn bằng 2, liên kết đào tạo sau đại học, giữ vững ổn định trong hoạt động chuyên môn của nhà trường. Nhàtrường cũng sẽ điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình đào tạo đã và đang thực hiện để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp xã hội thay đổi trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay và theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Thứ hai, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với từng môn học, ngành đào tạo, gắn kiến thức với ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, bảo đảm chất lượng đào tạo đáp ứng được thực chất nhu cầu xã hội; chú trọng bảo đảm trình độ, chất lượng đầu ra của sinh viên về khả năng ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nhà trường cũng sẽ tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; bồi dưỡng và rèn kỹ năng thích ứng với môi trường cho sinh viên. Phấn đấu đào tạo sinh viên ngành sư phạm và các ngành khác đạt chuẩn nghề nghiệp theo quy định mới.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên sâu, bảo đảm được cả ba nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động xã hội. Trường đang phấn đấu xây dựng môi trường học thuật tốt, thuận lợi cho việc giải phóng tối đa năng lực chuyên môn của người dạy và người học, bên cạnh việc gia tăng khả năng ứng dụng, phát triển dịch vụ từ việc thực hiện các đề tài nghiên cứu và thực hành của giảng viên, sinh viên. Tổ chức đánh giá ngoài và đề nghị công nhận trường đại học được kiểm định; xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí kiểm định, đánh giá chất lượng đội ngũ viên chức - giảng viên và sinh viên của trường. Tiếp tục thực hiện việc tổ chức đánh giá và công bố kết quả đánh giá năng lực giảng viên của sinh viên, triển khai kế hoạch giảng viên đánh giá năng lực cán bộ quản lý.
Thứ tư, tham mưu hiệu quả hoạt động của hội đồng trường nhiệm kỳ 2016-2021. Xúc tiến thành lập trường phổ thông nhiều cấp học (hoặc Trường Thực hành Sư phạm) trực thuộc Trường đại học Phú Yên; Trung tâm Nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giáo viên để triển khai chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp và bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông trong tỉnh. Tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn và trên chuẩn về học vị, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% giảng viên trình độ sau đại học, trong đó tiến sĩ chiếm 25%.
Thứ năm, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại; tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản và các trang thiết bị dạy học phục vụ hiệu quả hoạt động đào tạo và quản lý của nhà trường. Chú trọng công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, công tác pháp chế, thanh kiểm tra và đẩy mạnh phong trào thi đua trong nhà trường.
Thứ sáu, quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhà trường trong sạch - vững mạnh. Nhân rộng kết quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với yêu cầu “Mỗi cô giáo, thầy giáo phải là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Tăng cường phối hợp các lực lượng xã hội trong giáo dục và đào tạo sinh viên nhàtrường. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đồng bộ: Quang cảnh nhà trường xanh - sạch - đẹp; văn hóa nhà trường với các mối quan hệ ứng xử chân thành, thân thiện, đúng mực; bảo đảm nề nếp, kỷ cương trong dạy - học, trong quản lý và trong phục vụ các hoạt động của nhà trường.
10 năm là một chặng đường dài, nhưng không quá nhiều đối với lịch sử của một trường đại học. Nhìn lại, tổng kết, đánh giá để đi tới vững vàng hơn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, phía trước chúng ta vẫn có nhiều thách thức, nhất là làn sóng khoa học công nghệ đang trào dâng chi phối nhiều lĩnh vực, sự phát triển của các trường đại học lớn, yêu cầu đổi mới giáo dục và thị trường việc làm nhiều biến động hiện nay. Dù như thế nào thì con tàu đại học Phú Yên vẫn phải tiến về phía trước, kiên định với tôn chỉ, mục tiêu đặt ra, phấn đấu trở thành một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của khu vực. Chúng ta tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự đoàn kết thống nhất của thầy và trò sẽnhân thêm sức mạnh để Trường đại học Phú Yên hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.