Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ phải công bố đề án tuyển sinh trước ngày 20-3. Từ ngày 1-4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển.
Khoảng 20.000 lượt học sinh, phụ huynh, giáo viên ở Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Bình... đã về dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 11-3.
Ngày hội do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Đăng ký dự thi và xét tuyển từ 1-4
Tại ngày hội, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT - cho biết dự thảo quy chế tuyển sinh 2018 đã được đưa lên mạng xin ý kiến các trường, thí sinh, các chuyên gia và toàn xã hội. Hiện tại, quy chế đang trong quá trình hoàn thiện các bước cuối cùng để công bố chính thức.
Quy chế có một số điểm sửa đổi, bổ sung, trong đó thí sinh cần lưu ý đến 4 điểm sau: Thứ nhất, năm 2018 sẽ giảm nửa số điểm ưu tiên khu vực với mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm (năm 2017 trở về trước, mức điểm chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm).
Khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, báo chí, khoa học xã hội thu hút đông đảo thí sinh - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Thứ hai, Bộ GD-ĐT không quy định chung ngưỡng đảm bảo chất lượng các trường, mà trao quyền này cho các trường tự xác định. Thứ ba, điểm xét tuyển được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Thứ tư, đề án tuyển sinh các trường có nhiều nội dung bắt buộc phải công bố hơn năm trước. Trong đó, tất cả các trường đều phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ phải công bố đề án tuyển sinh trước ngày 20-3. Đặc biệt, bà Phụng cũng cho biết theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 1-4, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Thời hạn đăng ký sẽ kéo dài từ ngày 1-4 đến 20-4.
Cũng liên quan tới băn khoăn về quy chế thi THPT quốc gia năm 2018, bà Phụng khẳng định công thức tính điểm xét tốt nghiệp trong quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT năm 2018 không có thay đổi so với năm 2017.
Phải "chạy" mới được làm nhà nước? Học gì để làm bộ trưởng?
Bạn Nguyễn Hoàng Việt (THPT Hiệp Hòa 3, Bắc Giang) đặt câu hỏi tại Ngày hội - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Ngoài việc hỏi thông tin cơ bản về các ngành nghề đào tạo, nhiều học sinh cũng đặt ra cho ban tư vấn những câu hỏi thẳng thắn.
"Vào cơ quan nhà nước phải có tiền "chạy" mới vào được phải không?" - một học sinh giơ tay đặt câu hỏi. Với câu hỏi này, GS.TS Đinh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại - tư vấn: "Các bạn đừng quá lo lắng đến những thông tin tiêu cực của xã hội. Những đợt tuyển dụng vào cơ quan nhà nước hiện tại cũng có công bố công khai nội dung thi, lịch thi, chỉ tiêu tuyển dụng nên nếu các em giỏi thì cơ hội vẫn có".
Một số học sinh khác cũng không ngại đặt các câu hỏi muốn làm bộ trưởng, muốn trở thành chính trị gia, muốn tham gia bộ máy chính quyền từ cấp xã, phường trở lên thì học trường nào, cần bổ sung kiến thức kỹ năng gì?
Trả lời câu hỏi của một học sinh muốn đăng ký học trường quân đội, đại tá Vũ Xuân Tiến - trưởng ban thư ký tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng - chia sẻ: "Mục tiêu đào tạo của các trường quân đội là đào tạo sĩ quan có trình độ đại học, kỹ sư, bác sĩ.
Nếu học tập tốt, công tác tốt sẽ được cử tham gia các lớp bồi dưỡng cao hơn. Để thành công dù ở ngành nào, các em cần có quyết tâm phấn đấu, năng lực, phẩm chất tốt để đảm nhiệm công việc".
Quan tâm đến nhóm ngành xã hội nhân văn, có học sinh hỏi: "Liệu các ngành nhân văn, trong đó có cả ngành báo in, có còn tồn tại trong cuộc cách mạng 4.0 không?".
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng băn khoăn của thí sinh không phải không có cơ sở. Tuy nhiên ông cũng trao đổi với các bạn trẻ về nhiều cơ hội của ngành xã hội nhân văn. "Có những ngành mà xã hội càng hiện đại lại càng cần thiết" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Băn khoăn tố chất ngành nghề
Học sinh nhận thông tin tư vấn từ gian hàng của trường đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Nằm ngoài loạt câu hỏi về cơ hội việc làm, nhiều học sinh cũng đặt câu hỏi "Tố chất nào thì làm nghề nào?".
Trao đổi với các bạn thích ngành marketing, TS Nguyễn Đào Tùng - trưởng ban đào tạo Học viện Tài chính - cho rằng những ngành thú vị bao giờ cũng đi cùng với áp lực, khó khăn đòi hỏi các bạn trẻ cần sự năng động, dám nghĩ, dám làm và quan trọng là cần năng lực chuyên môn và các kỹ năng mềm cần thiết.
"Ba bốn lần vấp ngã, đầu gối có sẹo cũng dám chấp nhận để vượt qua thì mới thành công được. Muốn thế, các em cần có bản lĩnh. Chọn makerting thì cũng cần những tố chất như năng động, có bản lĩnh, dám đối diện với khó khăn..." - TS Tùng tư vấn.
Tại khu tư vấn "Gỡ rối hướng nghiệp - Chọn lối vào đời", PGS.TS Phạm Mạnh Hà - phó trưởng khoa công tác thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - cho rằng chọn nghề gì cũng có thể sẽ làm được nhưng để làm tốt, để thành công thì phải tính đến đặc điểm của các nhóm nghề có phù hợp với tố chất, năng lực hay không".
Vì thế, theo ông Hà, không nên quá cân nhắc đến cơ hội việc làm mà nên xem xét những ngành học nào gần với đặc trưng tính cách. Ví dụ một người tính không tỉ mỉ, không thích ngồi yên một chỗ chỉ muốn tham gia các hoạt động xã hội thì khó có thể làm tốt nghề kế toán.
Theo Tuổi Trẻ Online