Hàng năm trên thế giới có
hơn 500.000 trẻ em dưới 15 tuổi chết vì AIDS và 700.000 em bị lây nhiễm
HIV/AIDS, nhiều trẻ em phải chăm sóc bố mẹ, người thân bị nhiễm AIDS.
Ngoài ra, có khoảng 15 triệu trẻ em bị mất cha (mẹ) hoặc cả cha mẹ do AIDS và
con số này có thể tăng đến gần 25 triệu trẻ em vào cuối thập kỷ này. Việt Nam
là quốc gia đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về số người nhiễm
HIV với hơn 220.000 ca nhiễm (sau Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan). Tại
Việt Nam, mặc dù đã kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV,
nhưng tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, mỗi năm
cả nước phát hiện trên 12.000 người mới nhiễm HIV.
Vì vậy, những hoạt động
hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS nhằm kêu gọi người dân không phân
biệt đối xử với người bị HIV, thực hiện tốt một số quyền cơ bản của con người
như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học hành, quyền được lao động và
mưu cầu hạnh phúc. Với sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng xã hội, các ngành
chức năng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã có hơn 70 ngàn người hưởng
lợi từ các dự án chăm sóc, hỗ trợ và phòng chống HIV/AIDS. Việt Nam được đánh
giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; kiểm
soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV; giảm số người tử vong do
AIDS ...
Để quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của đại dịch
AIDS, tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia tháng 7 năm 2014, Liên Hợp quốc đã
đưa ra các mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được
tình trạng HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV
và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để
sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu
này được gọi là Mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hợp quốc. Có thể nói mục tiêu
90-90-90 là những mục tiêu hết sức tham vọng và thách thức nhưng nó hết sức cụ
thể. Thực hiện được những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của
con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Nếu nước ta làm tốt
công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu
90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả
với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại
dịch AIDS vào năm 2030.
Hiện nay, số người nhiễm
HIV hiện còn sống được điều trị bằng ARV ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu điều
trị, chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV tại Việt Nam ngày một lớn. Việc mở rộng
điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS mang lại nhiều lợi ích, tạo tiền đề xây dựng Đề án điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV/AIDS theo phương thức
xã hội hóa. Theo đó những bệnh nhân có CD4<350 (CD4 còn gọi là là tế bào T-
heper cell để tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, số lượng tế bào thấp,
sức đề kháng của cơ thể càng thấp) vẫn tiếp tục được điều trị sớm miễn phí, còn
những người có CD4>350 sẽ được cung ứng đầy đủ các dịch vụ nhưng bỏ tiền mua
thuốc với chi phí chỉ hơn một triệu đồng mỗi năm, phấn đấu đạt mục tiêu
90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020.
Mục tiêu chấm dứt đại dịch
HIV/AIDS mà Liên Hợp Quốc đã đề ra không hề dễ dàng và cũng không đơn giản.
Chúng ta không chủ quan nhưng phải hoàn toàn tin tưởng và hy vọng. Hãy hành động
không chỉ với mục tiêu 90-90-90 mà phải là 100-100-100. Đừng đợi đến năm 2020
mà hãy hành động ngay lúc này. Mục tiêu 90-90-90 của Việt Nam là hướng tới năm
2020 ở Việt Nam có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số
người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người
được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định. Hãy nhớ
rằng: HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức
khỏe con người và tương lai nòi giống của mỗi quốc gia, dân tộc trên toàn cầu;
tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội,
đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, cả xã hội phải cùng nhau hành động
góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 mà Liên hiệp quốc và nước ta đề ra.
Nguồn Internet